Dự án: Tìm hiểu thành tựu ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong chữa trị bệnh ở người
Liệu pháp tế bào gốc là phương pháp chữa bệnh bằng cách truyền tế bào gốc được nuôi cấy ngoài cơ thể vào người bệnh. Khi vào trong cơ thể, các tế bào này sẽ biệt hoá thành các tế bào nhất định để thay thế cho các tế bào bị bệnh. Tế bào gốc sử dụng có thể là tế bào gốc phôi, tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc cảm ứng. Các tế bào gốc có thể được lấy từ những phôi thụ tinh trong ống nghiệm giai đoạn 6 ngày tuổi. Tế bào gốc phôi được lấy ra rồi nuôi trong môi trường nhân tạo (H 3.2).
Tế bào gốc cũng có thể được lấy từ các thai bị sảy hoặc được tạo ra bằng nhiều cách khác. Tuy vậy, truyền tế bào gốc phôi từ một cơ thể vào một cơ thể khác cũng có thể gặp phản ứng đào thải các tế bào lạ của hệ miễn dịch. Những năm gần đây, các nhà khoa học đã tách thành công nhiều loại tế bào gốc trưởng thành từ mô và cơ quan của người rồi đem nuôi cấy trong môi trường nhân tạo. Ví dụ: Tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn trẻ sơ sinh được bảo quản lâu dài ở điều kiện lạnh sâu là một nguồn tế bào gốc hữu ích dùng để chữa bệnh. Ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng tế bào gốc tự thân (của chính bệnh nhân) là không kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại tế bào của cơ thể.
Liệu pháp tế bào gốc cũng đang được ứng dụng trong việc hỗ
trợ chữa trị một số bệnh ung thư ở người. Trong điều trị ung thư, người ta hay
sử dụng tia phóng xạ hoặc hoá chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên,
tia phóng xạ và hoá chất không chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư mà còn tiêu diệt
các tế bào bình thường vốn phân chia mạnh (ví dụ: tế bào máu). Do đó, cách điều
trị này gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Để giúp người bệnh có thể phục
hồi các tế bào lành bị tổn thương như các loại tế bào máu, trong đó có các loại
tế bào của hệ miễn dịch, người ta thường tách chiết các tế bào gốc trưởng thành
từ người bệnh, đem nhân nuôi trong điều kiện nhân tạo rồi tiêm trở lại cho bệnh
nhân.
Liệu pháp tế bào gốc cũng đã được thử nghiệm để chữa bệnh tiểu
đường type1. Tế bào tuyến tụy của người bệnh không còn khả năng tổng hợp
hormone insulin, vì vậy việc dùng tế bào gốc khoẻ mạnh đưa vào tuyến tuy để
thay thế tế bào bệnh là một hướng đi đầy hứa hẹn.
Một hướng nghiên cứu khác là nuôi cấy các tế bào chuyên hoá
khoẻ mạnh lấy từ người bệnh, sau đó giải biệt hoá cho chúng trở lại thành các tế
bào gốc đa tiềm năng. Các tế bào gốc đa tiềm năng này sẽ được biệt hoá thành tế
bào chuyên hoá khác nhau, thay thế cho các tế bào bị bệnh. Bằng công nghệ này,
các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng dùng tế bào gốc để
chữa bệnh mù do thoái hoá điểm vàng ở người cao tuổi. Kết quả cho thấy tình trạng
bệnh đã được cải thiện.
Bằng liệu pháp tế bào gốc, các nhà khoa học kì vọng sẽ chữa
được bệnh Parkinson, người có cơ tim bị tổn thương do đột quy hay bị tổn thương
các tế bào thần kinh.
Liệu pháp tế bào gốc giúp chữa được nhiều bệnh nhưng việc
dùng tế bào gốc phôi người để chữa bệnh vẫn còn một số quan ngại về vấn đề đạo
đức. Một số nước cho rằng phá các phôi dù là ở giai đoạn phôi sớm là vi phạm đạo
đức. Để khắc phục điều này, các nhà khoa học đã nuôi cấy các tế bào gốc trưởng
thành để sử dụng trong việc chữa bệnh bằng liệu pháp tế bào gốc.