Giải SGK Lịch Sử 9 Cánh Diều Bài 5: Việt Nam từ năm 1918 đến năm 1930

I. Phong trào dân tộc dân chủ từ năm 1918 đến năm 1930

Câu hỏi 1 (trang 22) Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 5: Mô tả những nét chính về phong trào dân tộc dân chủ của tư sản và tiểu tư sản Việt Nam  trong những năm 1918-1930?

Trả lời:

- Do bị thực dân Pháp áp bức, tư sản người nước ngoài cạnh tranh, chèn ép và phân biệt đối xử, tư sản và tiểu tư sản Việt Nam đã tổ chức đấu tranh đòi các quyền dân tộc dân chủ

- Những năm 1918 - 1925, tư sản và tiểu tư sản Việt Nam đã phát động một số cuộc đấu tranh đòi quyền lợi về kinh tế. Năm 1919, tư sản Việt Nam tổ chức cuộc tẩy chay tư sản Hoa kiều, vận động người Việt Nam mua hàng của người Việt Nam. Năm 1923, một nhóm tư sản ở Nam Kì thành lập Đảng Lập hiến và tổ chức phong trào đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn.

- Năm 1923, tại Quảng Châu (Trung Quốc), một số trí thức tiểu tư sản đã thành lập tổ chức Tâm tâm xã.

- Năm 1924, tại Quảng Châu, Phạm Hồng Thái (thành viên của Tâm tâm xã) thực hiện vụ ám sát Toàn quyền Đông Dương Méc-lanh. Việc không thành, Phạm Hồng Thái hi sinh.

- Những năm 1925 - 1930, do tác động mạnh mẽ của các trào lưu tư tưởng mới, nhất là tư tưởng Mác- Lê- nin, phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam có bước phát triển mới, đặc biệt là sự ra đời và hoạt động của các tổ chức yêu nước.

- Năm 1925, tại Trung Ki, một nhóm trí thức tiểu tư sản thành lập Hội Phục Việt Năm 1928, sau nhiều lần đổi tên, Hội lấy tên là Tân Việt Cách mạng đảng. Tổ chức này đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh và dần ngả theo con đường cách mạng vô sản, tích cực chuẩn bị thành lập chính đảng vô sản.

- Năm 1927, tại Hà Nội, một nhóm thanh niên trí thức gồm Nguyễn Thái Học,Phó Đức Chính,.. thành lập Việt Nam Quốc dân đảng. Tổ chức này chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản, thiên về hoạt động ám sát, bạo lực vũ trang để chống Pháp.

- Đầu năm 1929, một số đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng tiến hành ám sát Ba-danh (trùm mộ phu ở Bắc Ki). Thực dân Pháp tiến hành đàn áp, nhiều thành viên bị bắt, cơ sở đảng bị phá vỡ

- Đêm 9-2-1930, ban lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng phát động khởi nghĩa vũ trang ở Yên Bái, Phú Thọ, sau đó là Hải Dương. Thái Bình.... Thực dân Pháp đàn áp, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thất bại.

Câu hỏi 2 (trang 22) Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 5: Mô tả những nét chính về phong trào công nhân Việt Nam những năm 1918-1930. Giải thích tại sao cuộc bãi công của công nhân Ba Son được coi là mở đầu cho giai đoạn đấu tranh tự giác của công nhân Việt Nam?

Trả lời:

- Từ năm 1918 đến năm 1930, phong trào công nhân phát triển qua hai giai đoạn:

+ Từ năm 1918 đến năm 1925: phong trào công nhân diễn ra lẻ tẻ, chưa có tổ chức và lãnh đạo thống nhất. Hình thức đấu tranh chủ yếu là phá hợp đồng, bỏ trốn, lãn công nhằm đòi các quyền lợi kinh tế, như tăng lương, giảm giờ làm.... Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định, mỏ than Cẩm Phả (Quảng Ninh), nhà máy rượu Hà Nội.....

+ Từ năm 1925 đến năm 1930: phong trào công nhân nổ ra ở nhiều nơi trên cá nước, có tổ chức và lãnh đạo thống nhất của Công hội và các tổ chức cộng sản. Hình thức đấu tranh chủ yếu là bãi công, ngoài đòi các quyền lợi kinh tế còn có mục đích chính trị rõ ràng, như chống lại ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến, ủng hộ phong trào cách mạng thế giới. Tiêu biểu là các cuộc bãi công của công nhân xưởng đóng tàu Ba Son (Sài Gòn), đồn điền cao su Phú Riềng (Bình Phước), xưởng ô tô A-vi-a (Hà Nội).....

- Cuộc bãi công của công nhân Ba Son được coi là mở đầu cho giai đoạn đấu tranh tự giác của công nhân Việt Nam vì: 

+ Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên có tổ chức và lãnh đạo, gắn liền với sự tổ chức và lãnh đạo của Công hội do Tôn Đức Thắng thành lập.

+ Cuộc đấu tranh không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế mà còn nhằm mục đích chính trị thể hiện tình đoàn kết vô sản quốc tế của công nhân Việt Nam.

⟹ Cuộc bãi công Ba Son vạch một mốc lớn trong phong trào công nhân Việt Nam - giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu đi vào đấu tranh có tổ chức và mục đích chính trị rõ ràng (chuyển từ tự phát sang tự giác).

II. Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc (1918 - 1930)

Câu hỏi (trang 23) Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 5: Nêu những nét chính về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1918-1930.

Trả lời:

- Những nét chính về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1918-1930:

+ Tháng 6/1919: thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Tất Thành đã gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam (kí tên là Nguyễn Ái Quốc) tới Hội nghị Véc-xai.

+ Tháng 7/1920: đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin. Luận cương đã giúp Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc-con đường cách mạng vô sản.

+ Tháng 12/1920: Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Tua, bỏ phiếu tán thành Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế Cộng sản, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-Lê-nin và đi theo con đường cách mạng vô sản.

+ Năm 1921-1922: Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng các nước thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp thuộc địa; ra báo Người cùng khổ và truyền bá tư tưởng Mác - Lênin.

+ Năm 1923 - 1924, Nguyễn Ái Quốc dự Hội nghị Quốc tế nông dân, Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản,… truyền bá tư tưởng Mác - Lênin vào Việt Nam.

+ Năm 1924 - 1929, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên, huyến luyện cán bộ, tổ chức phong trào “vô sản hóa”.

+ Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam; soạn thảo cho Đảng bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên.

III. Sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Câu hỏi 1 (trang 25) Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 5: Trình bày quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Trả lời:

- Từ năm 1928, phong trào dân tộc dân chủ, đặc biệt là phong trào cách mạng theo khuynh hướng vô sản ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. 

- Đầu năm 1929, những hội viên cấp tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng đảng nhận thấy cần phải thành lập một đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng. Từ tháng 6 đến tháng 9-1929, trên cơ sở hai tổ chức này, ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời:

+ Đông Dương Cộng sản đảng

+ An Nam cộng sản đảng

+ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn

- Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng trong nước phát triển. Tuy nhiên, việc ba tổ chức cộng sản hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng đã gây bất lợi cho phong trào cách mạng. Thực tiễn đó đòi hỏi cần hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng.

- Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930 tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng thống nhất. Hội nghị nhất trí lấy tên đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đây là Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu hỏi 2 (trang 25) Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 5: Nêu ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?

Trả lời:

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của phong trào dân tộc dân chủ, là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời có ý nghĩa to lớn:

- Đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào dân tộc dân chủ, khẳng định sự trưởng thành và khả năng lãnh đạo của giai cấp vô sản Việt Nam.

- Chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Từ đây, cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới.

- Là bước chuẩn bị tất yếu đầu tiên, có tính quyết định, cho những bước phát triển nhảy vọt mới của phong trào cách mạng và lịch sử Việt Nam ở giai đoạn sau.

- Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện có tính bước ngoặt của phong trào cách mạng Việt Nam.

Luyện tập & Vận dụng

Luyện tập 1 (trang 25) Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 5: Lập bảng tóm tắt các hoạt động và vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm 1918 - 1930 theo mẫu sau vào vở ghi.

Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 5: Việt Nam từ năm 1918 đến năm 1930

Lời giải:

Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 5: Việt Nam từ năm 1918 đến năm 1930

Luyện tập 2 (trang 25) Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 5: Giải thích tại sao sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 được xem là bước ngoặt của phong trào cách mạng Việt Nam?

Lời giải:

- Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) là bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam vì đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Từ đây cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của một chính đảng duy nhất, là cơ sở quan trọng cho mọi thắng lợi sau này.

Vận dụng 3 (trang 25) Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 5: Sưu tầm tư liệu tranh ảnh về phong trào dân tộc, dân chủ ở Việt Nam trong những năm 1918 – 1930.

Lời giải:

Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 5: Việt Nam từ năm 1918 đến năm 1930