Giải Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân

Mở đầu

Mở đầu SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5 (trang 31): Hình 5.1 là một số hình ảnh phòng, tránh, đánh địch tiến công đường không. Em hãy mô tả các hoạt động có trong hình và kể thêm một số hoạt động tương tự.
Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân
Trả lời:
- Mô tả các hoạt động trong hình:
+ Hình a: người dân khẩn trương di chuyển xuống hầm trú ẩn để tránh bom
+ Hình b, d, e: lực lượng phòng không và dân quân tự vệ thực hiện đánh trả khi quân Mỹ tiến công bằng đường hàng không.
+ Hình c: các em học sinh đội mũ rơm để tránh và hạn chế sự sát thương của bom đạn, nhất là bom bi.
+ Hình g: lực lượng dân quân tự vệ bắt phi công Mỹ.
- Một số hoạt động tương tự:
+ Sơ tán người già, phụ nữ, trẻ em ở các khu đô thị về vùng nông thôn.
+ Đào, sửa chữa hầm, hào trú ẩn để tránh bom đạn của địch.
+ Người dân khẩn trương khắc phục hậu quả sau các trận ném bom của Mỹ.

I. Một số vấn đề chung về phòng không nhân dân

Khám phá 1 SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5 (trang 31): Em hiểu thế nào là phòng không nhân dân; thế trận và địa bàn phòng không nhân dân?
Trả lời:
- Phòng không nhân dân là tổng thể các hoạt động và biện pháp phòng không để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo tồn tiềm lực chiến tranh.
- Thế trận phòng không nhân dân là tổng thể các yếu tố, các lợi thế về địa hình, lực lượng, bố trí trang thiết bị phòng không để tiến hành các hoạt động tác chiến phòng không, phù hợp với kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ.
- Địa bàn phòng không nhân dân là các huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh hoặc những vị trí trọng yếu nằm trong hệ thống phòng thủ của cấp tỉnh và quân khu.
Khám phá 2 SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5 (trang 32): Phòng không nhân dân có vị trí, chức năng và nguyên tắc tổ chức, hoạt động như thế nào?
Trả lời:
- Vị trí, chức năng: là một nội dung quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, hoạt động trong khu vực phòng thủ, là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không nhằm thực hiện phòng, tránh, đánh địch và khắc phục hậu quả các hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
- Nguyên tắc tổ chức, hoạt động:
+ Tổ chức, hoạt động phòng không nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tổ chwucs điều hành tập trung thống nhất từ Trương ương đến địa phương theo sự chỉ huy và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
+ Tổ chức, hoạt động phòng không nhân dân do hệ thống chính trị, toàn dân và lực lượng vũ trang thực hiện, trong đó Bộ đội địa phương và Dân quân tự vệ làm nòng cốt.
+ Công tác phòng không nhân dân được chuẩn bị từ thời bình và triển khai thực hiện khi có biểu hiện, hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch.
Khám phá 3 SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5 (trang 32): Phòng không nhân dân gồm các lực lượng chuyên môn nào?
Trả lời:
- Phòng không nhân dân gồm các lực lượng chuyên môn: lực lượng trinh sát, quan sát phát hiện, thông báo, báo động phòng không; lực lượng ngụy trang, sơ tán, phòng tránh; lực lượng đánh địch xâm nhập, tiến công đường không; lực lượng phục vụ chiến đấu, bảo đảm phòng không nhân dân; lực lượng khắc phục hậu quả, cứu hỏa, cứu thương, cứu sập
Khám phá 4 SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5 (trang 33): Khi tiến công đường không, địch tập trung vào các mục tiêu chính nào? Thủ đoạn của địch là gì?
Trả lời:
- Các mục tiêu bắn phá chính của địch:
+ Trụ sở các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ;
+ Các sở chỉ huy tác chiến chiến lược, chiến dịch;
+ Các đài phát thanh, truyền hình;
+ Các khu công nghiệp quốc phòng và công nghiệp lớn, các nhà máy;
+ Các đầu mối giao thông, sân bay, bến cảng, kho tàng, cơ sở hậu cần, kĩ thuật;
+ Lực lượng phòng không, không quân, hải quân, các khu vực tập trung quân và vũ khí trang bị của ta.
- Thủ đoạn tiến công của địch:
+ Tăng cường hoạt động tình báo, trinh sát, nắm chắc các mục tiêu định tiến công;
+ Bí mật, bất ngờ thời điểm tiến công.
+ Tiến công từ nhiều hướng, từ xa, tiến hành đánh phá đồng loạt, liên tục, ác liệt cả ngày đêm;
+ Giành và giữ quyền làm chủ trên không, trên biển;
+ Tiêu diệt, phá huỷ tiềm lực quốc phòng của ta;
+ Phối hợp với chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lí và các hoạt động khác.
Luyện tập 1 SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5 (trang 33): Em hãy nhận xét các ý kiến sau và nêu ý kiến của mình:
- Bạn A: Hoạt động phòng không nhân dân được tổ chức điều hành tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương
- Bạn B: Công tác phòng không nhân dân được triển khai thực hiện khi có biểu hiện, hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch.
- Bạn C: Lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân là Quân chủng Phòng không – Không quan và Dân quân tự vệ
Lời giải:
- Ý kiến của bạn A đúng, nhưng chưa đầy đủ => Hoạt động phòng không nhân dân dặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tổ chức điều hành tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo sự chỉ huy và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
- Ý kiến của bạn B đúng.
- Ý kiến của bạn C sai => Tổ chức, hoạt động phòng không nhân dân do hệ thống chính trị, toàn dân và lực lượng vũ trang thực hiện, trong đó Bộ đội địa phương và Dân quân tự vệ làm nòng cốt.

II. Hoạt động phòng không nhân dân

Khám phá 5 SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5 (trang 33): Hoạt động phòng không nhân dân thời bình gồm các nội dung nào?
Trả lời:
- Hoạt động phòng không nhân dân thời bình gồm các nội dung:
+ Thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân
+ Xây dựng công trình phòng không nhân dân
+ Tổ chức huấn luyện, diễn tập phòng không nhân dân
+ Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng không nhân dân
Khám phá 6 SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5 (trang 35): Tại sao hoạt động phòng không nhân dân thời chiến vẫn có đầy đủ nội dung phòng không nhân dân thời bình?
Trả lời:
- Vì hoạt động phòng không nhân dân thời chiến vẫn phải thực hiện đầy đủ các nội dung tổ chức, hoạt động phòng không nhân dân thời bình, dù ở thời điểm nào cũng cần có phòng không nhân dân.
Luyện tập 2 SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5 (trang 36): Em hãy nhận xét các ý kiến sau và nêu ý kiến của mình:
- Bạn A: Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân được thành lập ở cấp Trung ương.
- Bạn B: Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân được thành lập ở cấp Trung ương và cấp quân khu.
- Bạn C: Kế hoạch phòng không nhân dân được xây dựng ở cấp quân khu.
- Bạn D: Kế hoạch phòng không nhân dân được xây dựng ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Lời giải:
- Ý kiến của bạn A và B chưa đầy đủ. => Ý kiến của em: Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân được thành lập ở 4 cấp là: (1) Trung ương; (2) Quân khu; (3) Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh); (4) Huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện)
- Ý kiến của bạn C và D chưa đầy đủ. => Ý kiến của em: kế hoạch phòng không nhân dân được xây dựng ở: cấp quân khu, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

III. Trách nhiệm thực hiện phòng không nhân dân

Khám phá 7 SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5 (trang 36): Công dân có trách nhiệm gì trong thực hiện phòng không nhân dân?
Trả lời:
* Trách nhiệm của công dân trong thực hiện phòng không nhân dân:
- Chấp hành các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của cơ quan, chính quyền các cấp về phòng không nhân dân.
- Tham gia các tổ (đội) thuộc lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức và các đơn vị liên quan; thực hiện các nhiệm vụ phòng không nhân dân thời bình và thời chiến theo phân công của cấp trên.
- Tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng không nhân dân, các khóa huấn luyện về kiến thức phổ thông, chuyên môn nghiệp vụ phòng không nhân dân, đánh địch tiến công đường không; diễn tập phòng không nhân dân, diễn tập khu vực phòng thủ của địa phương do Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức.
- Tham gia các hoạt động thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có người tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời của Tổ quốc.
Luyện tập 3 SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Cánh diều Bài 5 (trang 37): Là học sinh, em sẽ làm gì để sẵn sàng phòng, tránh khi bị kẻ thù tiến công bằng đường không?
Lời giải:
- Để sẵn sàng phòng, tránh khi bị kẻ thù tiến công bằng đường không, học sinh cần:
+ Tham gia học tập đầy đủ chương trình, kế hoạch giáo dục ở trường phổ thông trong thời bình và thời chiến, trong đó có môn học giáo dục quốc phòng và an ninh.
+ Tham gia xây dựng các công trình phòng không nhân dân như hầm, hào trú ẩn, lớp học.... đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh nhà trường.
+ Chấp hành nghiêm quy định để tránh máy bay địch phát hiện như: mặc trang phục sẫm màu, đội mũ rơm,...; thực hiện sơ tán, phân tán đến nơi quy định để bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, nhanh chóng về hầm trú ẩn khi địch tiến công hỏa lực đường không để phòng tránh bom, đạn, tên lửa hành trình,…
+ Tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả, sửa chữa khôi phục công trình phòng không nhân dân tại nhà trường; cứu sập, cứu nạn, cứu hỏa; vận chuyển người bị thương sau mỗi lần địch đánh phá.

Vận dụng

Đề bài: Em hãy sưu tầm hình ảnh và báo cáo trước lớp một trong hai chủ đề sau:
- Lực lượng phòng không nhân dân phòng, tránh và đánh địch tiến công đường không trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội năm 1972.
- Một số hoạt động của trường học ở Việt Nam góp phần phòng, tránh địch tiến công đường không trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ.
Trả lời:
- Lực lượng phòng không nhân dân phòng, tránh và đánh địch tiến công đường không trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội năm 1972. Phòng không nhân dân ( PKND) là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương. PKND được hình thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và phát triển từng bước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ (từ năm 1964 đến năm 1972) trên miền Bắc nước ta, nói riêng. Đỉnh cao của PKND là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, diễn ra vào cuối tháng 12 năm 1972, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương lân cận của quân và dân ta. Nội dung cơ bản nhất của PKND là tổ chức phòng tránh và đánh trả không quân địch. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân chiến lược và phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất để tiến công ta, với tham vọng “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”. Biện pháp và thủ đoạn phổ biến của chúng trong cuộc chiến tranh phá hoại này là đi đôi với các cuộc đánh phá ác liệt bằng không quân, chúng còn cho hải quân thả mìn phong tỏa các cảng biển; từ leo thang từng bước đến tiến công ồ ạt các thành phố, thị xã lớn, các huyết mạch giao thông thủy, bộ, các cơ sở kinh tế, văn hóa, các vùng đông dân, hệ thống đê điều, đập nước... hòng lấy kỹ thuật và chiến thuật cứu vãn sự bị động về chiến lược trên chiến trường miền Nam. Nghệ thuật tác chiến PKND đánh trả không quân địch. Qua tám năm đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, chúng ta đã xây dựng, tổ chức được lực lượng và thế trận PKND rộng khắp với khẩu hiệu “ Toàn dân bắn  máy bay Mỹ”, “Toàn dân tham gia bắt sống giặc lái”, già trẻ, trai gái bằng súng bộ binh đều tham gia bắn máy bay Mỹ, mỗi người dân là một chiến sĩ. Nét phát triển sáng tạo của nghệ thuật tổ chức lực lượng tác chiến của PKND chống không quân hiện đại của Mỹ là cách đánh độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trên mặt trận đất đối không. Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng bắn máy bay của dân quân, tự vệ đã triển khai 356 đơn vị. Các đơn vị dân quân, tự vệ đã sử dụng pháo cao xạ từ 14,5 ly đến 30 ly, 57 ly... cùng súng bộ binh giăng lưới lửa tầm thấp và tầm trung đánh máy bay địch tới từ nhiều hướng. Có những trận đánh xuất sắc, như cụm súng máy 14 ly 5 của tự vệ Hà Nội bố trí ở Phà Đen bắn 21 viên đạn hạ tại chỗ một máy bay F-111; Dân quân Hòa Bình bắn rơi máy bay lên thẳng HH-53, khi đến cứu giặc lái; dân quân xã Xuân Sơn, huyện An Thụy, Hải Phòng phối hợp với pháo cao xạ của bộ đội bắn rơi tại chỗ một máy bay A-6. Dân quân, tự vệ cùng nhân dân các địa phương trong 12 ngày đêm chiến đấu đã phối hợp với các lực lượng, tổ chức bắt nhiều giặc lái và bắn rơi máy bay đến cứu giặc lái. Ngoài ra, PKND còn phối hợp, hiệp đồng, tạo điều kiện cho Phòng không Quốc gia (PKQG) phát huy sức mạnh và hỏa lực đánh địch đạt hiệu suất cao nhất. Với sự mưu trí, linh hoạt, sáng tạo, các lực lượng phòng không đã vận dụng, kết hợp những hình thức tác chiến phòng không, thực hiện đánh không quân địch bằng cả lối đánh phân tán và tập trung, đánh với mọi quy mô, đánh địch từ xa đến gần, đánh bằng lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, ở tầm thấp, tầm cao và mọi hướng, tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất để giành thắng lợi trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Sau 12 ngày đêm (từ 18 đến 30/12/1972) dũng cảm chiến đấu, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 B-52 và 5 F-111 (bằng một nửa số B-52 và gần một nửa số F-111 bị bắn rơi trên miền Bắc trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại). Số máy bay địch bị lực lượng PKND bắn rơi chiếm 13,6% tổng số máy bay địch bị quân và dân ta bắn rơi (22 chiếc, trong đó có 4 F-111; pháo 100 ly của Quân khu Việt Bắc được công nhận bắn rơi 1 B-52).