Mở đầu (trang 5) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Em hãy cho biết: Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), nhân dân ta đã tiến hành những cuộc chiến tranh, chiến đấu và đấu tranh nào để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc?
Trả lời:
- Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), nhân dân ta đã tiến hành những cuộc chiến tranh, chiến đấu và đấu tranh để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đó là:
+ Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng
+ Chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc
+ Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam sau năm 1975
I. Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam
Câu hỏi 1 (trang 6) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Em hãy nêu những tội ác mà lực lượng Khmer Đỏ đã gây ra cho nhân dân ta và nhân dân Campuchia
Trả lời:
- Chương trình cải tạo xã hội theo mô hình cực đoan của lực lượng Khmer Đỏ đã khiến đất nước Campuchia rơi vào cảnh hỗn loạn, tang thương, với hàng triệu người bị giết hại một cách man rợ.
- Đối với Việt Nam, hành động của lực lượng Khmer Đỏ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của nước ta; khiến nhiều dân thường vô tội bị sát hại; bên cạnh đó, lực lượng Khmer Đỏ còn cướp bóc tài sản, phá hoại hoa màu, nhà cửa,.. của đồng bào ta.
Câu hỏi 2 (trang 7) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Tại sao nói cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam thể hiện tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung của nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia.
Trả lời:
- Chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là thắng lợi chung của tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung, mở ra chương mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
- Nhân dân Việt Nam đã cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỉ nguyên hoà bình, độc lập, xây dựng cuộc sống tươi đẹp, đồng thời, góp phần bảo vệ hoà bình trong khu vực và thế giới.
Câu hỏi 3 (trang 7) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, ta đã kết hợp chặt chẽ các lực lượng nào để chiến thắng kẻ thù?
Trả lời:
- Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, ta đã kết hợp chặt chẽ các lực lượng tại chỗ và lực lượng của các binh đoàn chủ lực để chiến thắng kẻ thù.
II. Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc
Câu hỏi 4 (trang 8) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Tóm tắt một số nét chính về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Trả lời:
- Từ năm 1975 đến năm 1978 chính quyền Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai vùng biên giới phía bắc Việt Nam
- Ngày 17/02/1979 chính quyền Trung Quốc huy động lực lượng lớn tiến công sang lãnh thổ Việt Nam đánh chiếm một số thị xã, tàn phá cơ sở hạ tầng, bệnh viện, trường học…gây tổn thất về người và tài sản
- Ngày 05/03/1979 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra lệnh Tổng động viên trong cả nước đứng lên chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc
- Trước những đòn giáng trả quyết liệt của quân và dân ta, sự lên án mạnh mẽ của dư luận tiến bộ trên thế giới và của chính nước họ ngày 5/3/1979 chính quyền Trung Quốc buộc phải buộc phải tuyên bố rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam
- Ngày 18/03/1979 về cơ bản Trung quốc đã rút quân ra khỏi nước ta
Câu hỏi 5 (trang 9) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Tại sao nói chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là biểu hiện sinh động cho ý chí và sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam
- Chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là biểu hiện sinh động cho ý chí và sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam, vì:
+ Quân và dân ta đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và chính nghĩa, nhằm: bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
+ Quân dân Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ví dụ như: Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, những hậu quả của chiến tranh biên giới Tây Nam chưa được khắc phục hoàn toàn,…
=> Với tinh thần yêu nước mãnh liệt, cùng ý chí chiến đấu bất khuất, kiên cường, quân dân Việt Nam đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Câu hỏi 6 (trang 9) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Em hãy cho biết trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, quân và dân ta đã kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh nào để giành thắng lợi.
- Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, để giành thắng lợi, quân và dân ta đã đã kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với ngoại giao, binh vận, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ mọi mặt của cộng đồng quốc tế.
III. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Câu hỏi 7 (trang 10) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Em hãy kể tên những quốc gia, vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần quần đảo Trường Sa.
Trả lời:
- Những quốc gia, vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần quần đảo Trường Sa gồm 5 nước, 6 bên: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei
Câu hỏi 8 (trang 10) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo là gì?
Trả lời:
- Thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia – dân tộc trên biển, trên không và trên bộ; hợp tác quốc tế về biển, đảo; duy trì môi trường hoà bình, ổn định, thúc đẩy quan hệ với các nước.
Câu hỏi 9 (trang 11) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Tại sao trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Đảng và Nhà nước ta chủ động dự báo, nắm chắc tình hình?
Trả lời:
- Trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Đảng và Nhà nước ta chủ động dự báo, nắm chắc tình hình, vì:
+ Biển Đông là khu vực rộng lớn, có liên quan tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, vẫn còn tồn tại một số vấn đề vi phạm chủ quyền, tranh chấp chủ quyền giữa một số quốc gia trong khu vực. Ví dụ như: có 5 nước, 6 bên tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa.
+ Các vấn đề an ninh phi truyền thống như tranh chấp ngư trường, khai thác tài nguyên biển gây ô nhiễm môi trường cũng có những diễn biến phức tạp;...
+ Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, vấn đề an ninh quốc phòng của một quốc gia cũng có sự gắn kết và tác động, ảnh hưởng nhất định tới những vấn đề, những quốc gia, dân tộc khác…
Luyện tập
Luyện tập 1 (trang 12) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Nêu giá trị lịch sử của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lời giải:
* Ý nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam
- Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối, mục tiêu chính trị đúng đắn, sáng tạo cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Đó là nhân tố có ý nghĩa quyết định để quân và dân ta thực hiện thắng lợi cuộc chiến này.
- Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là hành động tự vệ chính đáng và chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, nhằm chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn Pol Pot - leng Sary gây ra; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
- Chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là thắng lợi chung của tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung, mở ra chương mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Nhân dân Việt Nam đã cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỉ nguyên hoà bình, độc lập, xây dựng cuộc sống tươi đẹp, đồng thời, góp phần bảo vệ hoà bình trong khu vực và thế giới.
- Quân và dân ta đã viết tiếp trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc; đồng thời đã để lại những kinh nghiệm quý giá trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
* Ý nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc
- Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đã thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc tình hình đối phương; từ đó kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang và nhân dân làm tốt công tác chuẩn bị và thực hành chiến tranh.
- Quân và dân ta đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và chính nghĩa. Đồng thời, thể hiện rõ truyền thống nhân đạo, khát vọng hoà bình, mong muốn chấm dứt chiến tranh để xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
- Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc biểu hiện sinh động cho ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
- Chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, quân và dân ta đã viết tiếp trang sử vẻ vang trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
* Ý nghĩa của đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
- Thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia – dân tộc trên biển, trên không và trên bộ; hợp tác quốc tế về biển, đảo; duy trì môi trường hoà bình, ổn định, thúc đẩy quan hệ với các nước.
- Khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia Việt Nam trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn khẳng định tính chính nghĩa, khát vọng hoà bình, tôn trọng luật pháp quốc tế của dân tộc Việt Nam; đồng thời, viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
Luyện tập 2 (trang 12) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được thể hiện ở những nội dung cơ bản nào?
Lời giải:
Nghệ thuật quân sự trong cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam
- Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương từng bước đánh giá đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; nhận thức đúng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chủ động xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ở biên giới Tây Nam; không để đất nước bị động, bất ngờ, kịp thời tổ chức triển khai, xử lí thắng lợi các tình huống
- Quân và dân ta đã vận dụng sáng tạo các nghệ thuật quân sự:
+ Toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự, phản công, tiến công ở các quy mô đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn; giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn
+ Kết hợp chặt chẽ lực lượng tại chỗ với các binh đoàn chủ lực và các đơn vị thuộc các quân, binh chủng tham gia chiến đấu
+ Nghệ thuật liên minh chiến đấu giữa bộ đội Việt Nam với lực lượng cách mạng Campuchia trong phối hợp tác chiến chống kẻ thù chung
Nghệ thuật quân sự trong cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc
- Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đã đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn, khả năng hành động của đối phương; chủ động chuẩn bị chiến trường; chọn hướng và địa bàn tác chiến nhằm vào hướng tiến công chủ yếu của đối phương.
- Xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc vững chắc; phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, toàn diện, cả nước thành một mặt trận hướng ra tiền tuyến; đánh giặc bất cứ nơi nào, ngay từ đầu, tuyến đầu trên lãnh thổ Tổ quốc.
- Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ta đã kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với ngoại giao, binh vận, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ mọi mặt của cộng đồng quốc tế.
- Vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật quân sự. Thực hiện “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều”; kiên quyết ngăn chặn không cho đối phương tiến sâu vào lãnh thổ nước ta.
- Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã nắm chắc thời cơ, hạ quyết tâm chiến đấu kịp thời, chính xác; tập trung lực lượng, tạo sức mạnh áp đảo kẻ thù; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị, địch vận và ngoại giao để giành thắng lợi trong thời gian ngắn.
Nghệ thuật quân sự trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo
- Đảng và Nhà nước ta đã chủ động dự báo, nắm chắc tình hình để có đối sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo hợp lý. Trong mọi hoàn cảnh, ta thực hiện kiên quyết, kiên trì về mục tiêu bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhưng vận dụng linh hoạt, sáng tạo về cách thức, phương pháp đấu tranh.
- Kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, pháp lí; kiên định giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực với các nước nhưng sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để tự vệ chính đáng, xử trí thắng lợi các tình huống.
- Huy động sức mạnh tổng hợp của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp với lực lượng và thế trận an ninh nhân dân trên biển, đảo. Kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng thủ, bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển.
Luyện tập 3 (trang 12) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Công dân cần có những trách nhiệm gì đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay?
Lời giải:
- Chủ động tìm hiểu, học tập nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung; kiến thức phổ thông về quốc phòng và an ninh nói riêng.
- Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam và các quan điểm sai trái, phản động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.
- Thường xuyên rèn luyện sức khoẻ. Đăng kí nghĩa vụ quân sự theo đúng quy định của pháp luật; sẵn sàng tham gia bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Tích cực tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung; công tác quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói riêng trong cộng đồng dân cư, nơi học tập, làm việc.
- Tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động tri ân người có công với đất nước, đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng,... do địa phương, trường học, cơ quan tổ chức.
Vận dụng
Vận dụng 1 (trang 12) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Em hãy sưu tầm tư liệu về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và chia sẻ với các bạn về một trong các chủ đề sau:
- Những mất mát, đau thương của nhân dân ta;
- Các tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh của quân và dân ta;
- Các công trình tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống.
Thông tin sưu tầm:
Tội ác Khmer Đỏ
- Sau sự kiện 30/4/1975, quân Pol Pot đã tiến hành xâm lấn biên giới Việt Nam mà đầu tiên là đảo Phú Quốc (4/5/1975) rồi tới đảo Thổ Chu giết chết 500 thường dân. Chúng gây ra hàng loạt cuộc thảm sát nhân dân biên giới Việt-Cam
- Tháng 4/1977, quân Pol Pot tiến sâu 10km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát một số lớn dân thường
- Tới 25/9, 4 sư đoàn quân Pol Pot đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), đốt phá 471 ngôi nhà, làm gần 800 người dân bị giết, bị thương hoặc mất tích
- Tính từ tháng 5/-1975 đến ngày 23/12/1978, Pol Pot đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Chủ trương của quân Pol Pot là “Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”.
- Ngày 31/12/1977 Việt Nam đưa vào Campuchia 6 sư đoàn bộ binh đánh sâu vào đất Campuchia giải thoát cho một số cán bộ quan trọng của Campuchia trong đó có Thủ tướng tương lai Hun Sen.Cuộc tấn công này được xem là lời “cảnh cáo” cho chính quyền Khmer Đỏ.
- Việt Nam đề nghị đàm phán nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, nhưng Pol Pot nhiều lần từ chối, và giao tranh lại tiếp diễn. Từ 12/1977 đến 6/1978, hơn 30 vạn thường dân Việt Nam phải di tản vào sâu trong nội địa.
- Ngày 13/12/1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung Quốc,chính quyền Khmer Đỏ đã huy động 19 trong 23 sư đoàn (khoảng 80.000 đến 100.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Trước tình hình đó Việt Nam bắt đầu đánh trả với lực lượng được chỉ huy bởi tướng Lê Trọng Tấn.
- Bộ binh: Quân đoàn 2 (Sư 304, 325) Quân đoàn 3 (Sư 10, 31, 320, 302) Quân đoàn 4 (Sư 7, 9, 341, 2 – Lữ đoàn 22 thiết giáp, Lữ đoàn 24 pháo binh, Lữ đoàn 25 công binh) Quân khu 5 (Sư 307, 309 – Lữ đoàn đặc công 198) Quân khu 7 (Sư 5, 302, 303, Trung đoàn đặc công 117,Trung đoàn 262 pháo binh, Trung đoàn 26 thiết giáp, Trung đoàn công binh E25 QK7) Quân khu 9 (Sư đoàn 4, 330, 339)
- Hải quân: Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 và Lữ đoàn hải quân đánh bộ 101.
- Không quân: Đoàn 901 không quân (Sư đoàn không quân 372, Trung đoàn 921) Và hơn 1 vạn quân thuộc Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia (UFNSK) (là chính phủ kháng chiến được thành lập bởi Hun Sen).
- Từ tháng 6/1977 đến tháng 12/1978, quân tình nguyện Việt Nam đã tiêu diệt 38.563 quân Khmer đỏ, bắt sống 5.800 lính khác. Kết thúc cuộc chiến, quân tình nguyện Việt Nam tiêu diệt hơn 10 vạn quân Pol Pot.
- Đến 7/1/1979, Phnom Penh được giải phóng nhưng 10 năm sau, cuộc chiến tranh mới kết thúc, hơn 3 triệu dân Campuchia chết dưới nạn diệt chủng của Pol Pot. Cuộc chiến kết thúc với thiệt hại của Việt Nam là 50 ngàn đến 55 ngàn quân nhân hy sinh hoặc mất tích và 200 ngàn người bị thương, hơn 55 nghìn dân thường chết hoặc bị thương (Riêng tỉnh Bình Định đã có gần 10 ngàn liệt sĩ).
Vận dụng 2 (trang 12) Giáo dục Quốc phòng 12 Kết nối tri thức Bài 1: Em hãy viết một bức thư khoảng 250 từ gửi cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển, đảo của Tổ quốc để bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn của mình.
Lời giải:
Kính gửi các chú bộ đội Hải quân đang làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển, đảo của Tổ quốc!
Là một học sinh đang sinh sống trên đất liền, cháu viết thư này để bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng đối với các chú - những người lính Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.
Cháu biết rằng, nhiệm vụ của các chú vô cùng quan trọng và gian khổ. Các chú phải xa gia đình, xa quê hương, sống và làm việc trên những đảo xa, nơi có điều kiện sống thiếu thốn, khắc nghiệt. Các chú phải đối mặt với sóng to gió lớn, với những hiểm nguy rình rập để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nhìn những hình ảnh các chú dầm mưa dãi nắng, canh gác từng tấc đất, từng vũng nước của Tổ quốc, lòng cháu trào dâng niềm tự hào và biết ơn. Nhờ có các chú, biển đảo Việt Nam luôn được bảo vệ an toàn, để chúng cháu được sống trong hòa bình, được học tập và vui chơi.
Cháu mong rằng các chú luôn giữ gìn sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của mình. Cháu hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt, rèn luyện bản thân để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cuối thư, cháu xin gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công đến các chú. Cháu mong rằng các chú luôn bình an và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Cháu xin chân thành cảm ơn!