Giải Sử 12 Chân trời sáng tạo Bài 7: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

1. Bối cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

Câu hỏi 1 (trang 39) Sử 12 Chân trời sáng tạo Bài 7: Trình bày khái quát bối cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)?

Trả lời:

- Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, hệ thống xã hội chủ nghĩa ra đời, phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ. Trật tự thế giới hai cực I-an-ta và Chiến tranh lạnh tác động mạnh đến tình hình Việt Nam.

- Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thực sự đã trở thành nước tự do và độc lập; toàn thể dân tộc Việt Nam "quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

- Chính quyền cách mạng non trẻ vừa ra đời bị các thế lực thực dân, đế quốc câu kết với nhau ra sức chống phá, trong đó, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị xâm lược hòng lập lại chế độ thuộc địa.

2. Diễn biến chính của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

Câu hỏi 2a (trang 39) Sử 12 Chân trời sáng tạo Bài 7: Trình bày khái quát diễn biến của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược ở Nam Bộ (1945-1946).

Trả lời:

- Bối cảnh lịch sử:

+ Ngày 2-9-1945, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức mít tinh chào mừng ngày Độc lập, quân Pháp đã xả súng vào người dân.

+ Đêm 22 rạng sáng ngày 23-9-1945, quân Pháp đánh úp trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

- Diễn biến chính:

+ Quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn cùng quân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược bằng nhiều hình thức.

+ Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, hàng vạn thanh niên gia nhập quân đội, xung phong vào đội quân “Nam tiến”, cùng nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ kháng chiến.

- Ý nghĩa:

+ Giáng đòn đầu tiên vào kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp, đẩy quân Pháp vào thế bị động và phải giam chân tại đây trong nhiều tháng;

+ Tạo điều kiện để cả nước chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Câu hỏi 2b (trang 41) Sử 12 Chân trời sáng tạo Bài 7: Trình bày khái quát diễn biến chính của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1946 - 1950.

Trả lời:

* Hoàn cảnh:

- Sau khi thực dân Pháp và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kí Hiệp ước Hoa- Pháp (28- 02- 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kí với Pháp Hiệp định Sơ bộ (6- 3- 1946). 

- Tuy nhiên thực dân Pháp luôn tìm cách phá hoại những điều đã kí kết, đầy mạnh khiêu khích tiến công quân sự ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Hà Nội,... 

- Ngày 18- 12- 1946, thực dân Pháp gửi tối hậu thư đòi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để cho quân Pháp làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự ở Hà Nội. 

- Trước tình hình đó, ngày 19- 12- 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

- Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, quân dân Việt Nam đã từng bước giành được những thắng lợi tiêu biểu: 

- Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16: 

+ Cuộc chiến đấu giam chân quân Pháp đã diễn ra ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 như Nam Định, Vinh, Nghệ An, Huế, Hà Nội, trong 60 ngày đêm (từ ngày 19- 12- 1946 đến ngày 17- 02- 1947). 

+ Kết quả: Bước đầu làm phá sản kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ và lực lượng chủ lực rút lên chiến khu xây dựng căn cứ kháng chiến thực hiện kháng chiến lâu dài.

- Chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947: 

+ Chiến dịch diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12- 1947, khi quân Pháp mở cuộc tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của Việt Nam. 

+ Quân và dân Việt Nam chủ động phản công (từ ngày 07- 10 đến ngày 19- 12- 1947), bẻ gãy cuộc tiến công của quân Pháp, đẩy lùi quân Pháp ở một số vị trí 

+ Kết quả: làm phá sản hoàn toàn kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, bảo vệ vững chắc căn cứ địa Việt Bắc.

- Chiến dịch Biên giới thu- đông năm 1950:

+ Đầu năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra những điều kiện mới cho cuộc kháng chiến.

+ Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu tiên chủ động mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, khai thông biên giới Việt- Trung, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. 

+ Kết quả: quân đội Việt Nam đã giải phóng một vùng rộng lớn dọc biên giới Việt- Trung, chọc thủng hành lang Đông- Tây, làm phá sản kế hoạch Rơ-ve của thực dân Pháp. Từ đây, quân đội Việt Nam giành được thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. 

Câu hỏi 2c (trang 42) Sử 12 Chân trời sáng tạo Bài 7: Trình bày khái quát bước phát triển mới của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn (1951-1953)?

Trả lời:

- Tháng 02 - 1951, tại chiến khu Việt Bắc, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp và quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên mới là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình trưởng thành và lãnh đạo cách mạng của Đảng, là "Đại hội kháng chiến thắng lợi".

Sau đó, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt (3 - 1951) nhằm củng cố sức mạnh đoàn kết thống nhất toàn dân tộc; đồng thời, Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào được thành lập (11 -3 - 1951) nhằm tăng cường khối đoàn kết ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung.

- Nền kinh tế kháng chiến được xây dựng, đáp ứng cơ bản nhu cầu đời sống của nhân dân. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế được chú trọng phát triển; các phong trào Thi đua yêu nước được phát động. Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc (1952) được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc,...

- Trên mặt trận quân sự, quân đội Việt Nam chủ động mở nhiều chiến dịch trên chiến trường chính Bắc Bộ như: các chiến dịch ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (1950 - 1951), chiến dịch Hòa Bình (đông - xuân 1951 - 1952), chiến dịch Tây Bắc (thu - đông năm 1952), chiến dịch Thượng Lào (xuân - hè năm 1953).

Câu hỏi 2d (trang 44) Sử 12 Chân trời sáng tạo Bài 7:

- Trình bày khái quát diễn biến chính của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1953-1954.

- Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)?

Trả lời:

* Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1953-1954.

- Hành động mới của Pháp-Mỹ: Tháng 7-1953, được sự viện trợ của Mỹ, Pháp đề ra kế hoạch Na-va, với hi vọng trong 18 tháng sẽ dành một thắng lợi quân sự quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

- Cuộc tiến công chiến lược Đông - xuân 1953-1954:

+ Tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra kế hoạch tác chiến trong đông - xuân 1953 - 1954. Phương hướng chiến lược là tập trung lực lượng mở các cuộc tiến công vào những hướng quan trọng mà quân Pháp tương đối yếu, buộc địch phải bị động phân tán lực lượng trên những địa bàn xung yếu không thể bỏ.

+ Trong Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, bộ đội chủ lực mở một loạt chiến dịch tấn công quân Pháp ở Lai Châu, Trung Lào, Thượng Lào, Bắc Tây Nguyên,... đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng quân Pháp,..

+ Ý nghĩa: làm phá sản bước đầu kế hoạch Na-va.

- Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)

+ Tháng 11-1953, sau khi phát hiện bộ đội chủ lực của Việt Nam tiến lên Tây Bắc, Na-va quyết định điều quân lên chiếm giữ Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

+ Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm tiêu diệt lực lượng quân Pháp, giải phóng Tây Bắc, tạo điều kiện để giải phóng Bắc Lào, giành thắng lợi quân sự quyết định.

+ Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra qua 3 đợt, từ ngày 13-3-1954 đến ngày 7-5-1954. Chiều ngày 7-5-1954, tướng Đờ Ca-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của quân Pháp đầu hàng.

* Ý nghĩa Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ

- Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa:

+ Đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Na-va, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm
lược của Pháp.

+ Làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở cho việc đàm phán và ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương  lại hoà bình ở Đông Dương năm 1954.

3. Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

Câu hỏi 3a (trang 44) Sử 12 Chân trời sáng tạo Bài 7: Nêu nguyên nhân thắng lợi  của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)?

Trả lời:

- Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (từ năm 1951 là Đảng Lao động Việt Nam), đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo.

- Cuộc kháng chiến thắng lợi do nhân dân ta có truyền thống yêu nước; toàn dân, toàn quân đoàn kết, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất.

- Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là nhờ có hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân, mặt trận dân tộc thống nhất, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, hậu phương rộng lớn, vững chắc về mọi mặt.

- Thắng lợi này có sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào cùng đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung; có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Pháp và các lực lượng dân tộc dân chủ trên thế giới.

Câu hỏi 3b (trang 45) Sử 12 Chân trời sáng tạo Bài 7: Phân tích ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954).

Trả lời:

* Đối với Việt Nam

- Chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị của thực dân Pháp trong gần một thế kỉ ở Việt Nam.

- Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

* Đối với thế giới

- Giáng đòn nặng nề vào tham vọng nô dịch của chủ nghĩa đế quốc sau Chiến tranh thế giới thứ hai;

- Góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ;

- Cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Luyện tập

Câu hỏi Luyện tập (trang 45) Sử 12 Chân trời sáng tạo Bài 7: Lập bảng thống kê những thắng lợi quân sự tiêu biểu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 - 1954) theo gợi ý sau vào vở:

Lời giải:

Sử 12 Chân trời sáng tạo Bài 7: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Vận dụng

Câu hỏi Vận dụng (trang 45) Sử 12 Chân trời sáng tạo Bài 7: Sưu tầm tư liệu từ sách, báo, internet về sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa đối với Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), sau đó giới thiệu với thầy, cô và các bạn trong lớp của em.

Tư liệu tham khảo:

Sự viện trợ, giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Ngày 18/01/1950 Trung Quốc tuyên bố công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 30/01/1950 Liên Xô tuyên bố công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là các sự kiện rất quan trọng, không chỉ tăng cường vị thế nước ta trên trường quốc tế mà còn tạo điều kiện để Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác hỗ trợ mạnh mẽ cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam.

Khoảng giữa tháng 2/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến thăm (không chính thức) Liên Xô. Người đề nghị Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vật chất, nhất là vũ khí, đạn dược. Liên Xô quyết định thực hiện sự giúp đỡ Việt Nam thông qua Trung Quốc. I.V. Stalin đã thống nhất với Mao Trạch Đông "... chúng tôi đánh xong Đại chiến thế giới, còn rất nhiều vũ khí chưa dùng hết, chúng tôi có thể chở sang Trung Quốc, các đồng chí giữ lấy, trong đó có những thứ phù hợp với chiến tranh Việt Nam, các đồng chí có thể chở một số sang Việt Nam". 

Sau chiến thắng Biên giới (Thu Đông 1950), hơn 750 km biên giới Việt - Trung và 6 tỉnh phía bắc được giải phóng, căn cứ địa Việt Bắc được nối thông với Trung Quốc, các nước bạn có điều kiện trực tiếp giúp Việt Nam. 

Từ năm 1950, Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam một số mặt hàng có ý nghĩa chiến lược. Số hàng đầu tiên gồm pháo cao xạ 37 mm, một số xe vận tải mô-tô-lô-va và thuốc quân y quá cảnh qua Trung Quốc sang Việt Nam(1). Năm 1952, ta đề nghị Liên Xô viện trợ 10 tấn thuốc sốt rét (ký ninh), Liên Xô cấp tốc gửi ngay 500 kg.

Cũng năm 1952, ta đề nghị Liên Xô viện trợ pháo cao xạ 37 mm cho 4 trung đoàn (144 khẩu và 10 cơ số đạn/khẩu), 72 khẩu pháo 76,2 mm và 10 cơ số đạn/khẩu, 200 khẩu súng phòng không 12,7 mm và 10 cơ số đạn/khẩu và đào tạo giúp 50-100 du học sinh. Liên Xô đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu của Việt Nam.

Tính chung, từ 5/1950 - 6/1954, Việt Nam nhận được 21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế (gồm 4.253 tấn vũ khí đạn, 73 tấn hàng quân giới, 5.069 tấn hàng vận tải, 9.590 tấn gạo, 1.505 tấn quân trang, 157 tấn hàng quân y 200 tấn hàng thông tin, 40 tấn hàng công binh; 715 xe ô tô vận tải, 24 khẩu pháo 105 mm và 1.000 viên đạn, 48 khẩu pháo 75 mm và 32.484 viên đạn, 76 khẩu pháo cao xạ 37 mm và 51.620 viên đạn) từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác với tổng trị giá 54 triệu Rúp.

Trong số vũ khí đạn, toàn bộ pháo cao xạ 37 mm (76 khẩu và đạn đi cùng), toàn bộ hỏa tiễn Kachiusa (12 dàn 6 nòng và đạn đi cùng), toàn bộ súng tiểu liên K50 và đạn đi cùng, 685/715 chiếc ôtô vận tải và một số lượng lớn thuốc kháng sinh, ký ninh là do Liên Xô viện trợ. Còn các loại vũ khí bộ binh khác, pháo 105 mm, 75 mm và lương thực là do Trung Quốc viện trợ

Trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn của Việt Nam khi tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thì viện trợ quốc tế nói chung và của Liên Xô nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng nâng cao tiềm lực quân sự, sức chiến đấu của Quân đội ta. Vũ khí, trang bị của Liên Xô góp phần quan trọng nâng cao khả năng tiến công và sức cơ động của bộ đội ta trong các chiến dịch lớn.

Đặc biệt, 12 dàn hỏa tiễn, pháo cao xạ 37 mm... do Liên Xô viện trợ đã góp phần tăng thêm sức mạnh tiến công của Quân đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.