Lý thuyết Lịch Sử 8 Chân trời sáng tạo Bài 18: Đông Nam Á

1. Phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á nửa sau thế kỉ XIX

* Nguyên nhân: sự xâm lược và đô hộ của các nước phương Tây đã xâm phạm nghiêm trọng đến độc lập, chủ quyền dân tộc và đẩy nhân dân nhiều nước Đông Nam Á lâm vào tình cảnh khổ cực.

* Một số cuộc đấu tranh tiêu biểu:

- Ở In-đô-nê-xi-a

+ 1873 - 1903, Chiến tranh giành độc lập của nhân dân Hồi quốc A-chê (Aceh).

+ 1890 - 1907, khởi nghĩa nông dân đảo Gia-va do Sa-min (Samin) lãnh đạo.

- Ở Phi-líp-pin

+ Từ 1892 - 1896, cuộc đấu tranh theo đường lối ôn hòa của Liên minh Phi-líp-pin do Hô-xê Ri-xan thành lập

+ Từ 1896 - 1897, diễn ra cuộc khởi nghĩa do Bô-ni-pha-xi-ô lãnh đạo theo xu hướng bạo động.

- Ở Việt Nam

+ Từ 1885 - 1896, phong trào Cần vương

+ Từ 1884 - 1913, khởi nghĩa Yên Thế

- Ở Cam-pu-chia

+ Từ 1864 - 1865, Khởi nghĩa của A-cha Xoa chống lại lực lượng phong kiến đầu hàng và thực dân Pháp.

+ Năm 1876, Hoàng thân Si-vô-tha lãnh đạo nhân dân chống thực dân Pháp và xây dựng vương quốc độc lập Cơ-rắc

+ Từ 1885 - 1886, diễn ra cuộc khởi nghĩa nông dân chống Pháp dưới danh nghĩa Hoàng thân Si-vô-tha.

* Kết quả: các phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi nhưng cuối cùng đều thất bại.

2. Phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á đầu thế kỉ XX

- Đầu thế kỉ XX, phong trào giải phóng dân tộc tiếp tục lan rộng dưới nhiều hình thức khác nhau có sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội:

+ Đấu tranh vũ trang tiếp tục bùng nổ, tiêu biểu là khởi nghĩa Pha-ca-đuốc (1901 - 1903), Ong Kẹo (1901 - 1937) ở Lào,....

+ Tầng lớp tư sản dân tộc ở In-đô-nê-xi-a, các sĩ phu yêu nước Việt Nam nỗ lực truyền bá tư tưởng dân chủ, kêu gọi cải cách, nâng cao dân trí, dân quyền.

+ Tầng lớp tri thức và công nhân ở nhiều nước Đông Nam Á cũng tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều tổ chức yêu nước đã được lập ra, như: Hội Thanh niên Phật tử (Mi-an-ma, 1906), Hiệp hội công nhân đường sắt (In-đô-nê-xi-a, 1905); Liên minh xã hội dân chủ In-đô-nê-xi-a (1914),…