Giải Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc

1. Hành trình đi tìm đường cứu nước (1911 - 1920)

Câu hỏi (trang 91) Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Khai thác thông tin, tư liệu và các hình trong mục 1:

- Giới thiệu hành trình đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc trên lược đồ.

- Nêu nội dung cơ bản của con đường cứu nước do Nguyễn Ái Quốc xác định. Cho biết ý nghĩa của sự kiện Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước?

Trả lời:

- Từ năm 1911, Nguyễn Tất Thành đi qua nhiều châu lục, làm nhiều công việc để vừa kiếm sống, vừa tìm hiểu thực tiễn. Từ các cuộc hành trình, Nguyễn Tất Thành đã đúc kết được nhiều bài học và đi đến nhận định: "Ở đâu chủ nghĩa thực dân đế quốc cũng tàn bạo, ở đâu những người lao động cũng bị áp bức cùng cực"

- Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp hoạt động và trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

- Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin đăng trên báo Nhân đạo. Luận cương đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

- Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc xác định có nội dung cơ bản: giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Trong đó, độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, chủ nghĩa xã hội là phương hướng tiến lên

* Sự kiện Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước năm 1920 có ý nghĩa to lớn: bước đầu giải quyết được cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc, gắn phong trào cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới,  đồng thời mở đầu quá trình chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Chuẩn bị và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1921 - 1930)

Câu hỏi 1 (trang 92) Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Trình bày quá trình Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho biết ý nghĩa của việc chuẩn bị đó.

Trả lời:

* Chuẩn bị về tư tưởng, chính trị:

- Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể ở một nước thuộc địa; xây dựng lí luận cách mạng giải phóng dân tộc kết hợp giải phóng giai cấp cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nội dung của lí luận cách mạng giải phóng dân tộc do Nguyễn Ái Quốc xây dựng về sau được thể hiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (đầu năm 1930).

- Chủ nhiệm, kiêm chủ bút báo Người cùng khổ (1922) và viết bài cho các báo, tạp chí (Nhân đạo, Đời sống công nhân, Sự thật, Cộng sản, Thư tín Quốc tế,..); viết tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925); sáng lập báo Thanh Niên (6-1925); mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng tại Trung Quốc (1925 - 1927)

* Chuẩn bị về tổ chức:

- “Xây dựng mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới: hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, thành lập Hội liên hiệp thuộc địa (1921), hoạt động ở Liên Xô và Quốc tế Cộng sản (1923 - 1924), cùng với một số nhà yêu nước các nước thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông (1925),..

- Tìm hiểu và tập hợp thanh niên trí thức yêu nước ở hải ngoại để thành lập các tổ chức tiền thân của Đảng: Thanh niên Cộng sản đoàn (2-1925) và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6-1925).

* Ý nghĩa: chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam.

Câu hỏi 2 (trang 93) Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam có những nội dung cơ bản nào?

Trả lời:

- Triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng (từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930).

- Thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Soạn thảo Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng (về sau trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng).

* Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã xác định những vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam: làm cuộc "tư sản dân quyền cách mạng - giải phóng dân tộc và thổ địa cách mạng - cách mạng ruộng đất để đi tới xã hội cộng sản"; lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân; lực lượng cách mạng là toàn dân tộc (nòng cốt là công - nông). Tư tưởng cốt lõi của Cương lĩnh là "Độc lập, tự do".

Câu hỏi 3 (trang 94) Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Nêu ý nghĩa của sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Vì sao khẳng định: Sự ra đời của Đảng đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam?

Trả lời:

- Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam:

+ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp; là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong thời kì mới.

+ Sự ra đời của Đảng đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

+ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt mới trong lịch sử Việt Nam.

- Giải thích: Sự ra đời của Đảng đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

+ Cách mạng giải phóng dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo kéo dài trong nhiều thập kỉ.

+ Cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới.

3. Chuẩn bị và lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945

Câu hỏi (trang 95) Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Nêu ý nghĩa của việc thành lập Mặt trận Việt Minh. Nêu vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam giai đoạn 1941 – 1945.

Trả lời:

- Ý nghĩa của việc thành lập Mặt trận Việt Minh:

+ Việc thành lập Mặt trận Việt Minh đánh dấu sự đoàn kết rộng lớn của các lực lượng cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. 

+ Mặt trận Việt Minh không chỉ thể hiện sự đồng lòng giữa các tầng lớp xã hội mà còn tạo ra tinh thần đoàn kết quốc gia mạnh mẽ. 

+ Ý nghĩa của Mặt trận Việt Minh là kết hợp mọi tầng lớp nhân dân để đối mặt với thách thức ngoại xâm, mở ra hành trình cách mạng, chiến thắng lịch sử, và là nền tảng cho việc xây dựng nước Việt Nam mới.

- Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam giai đoạn 1941 – 1945:

+ Triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung trong Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (5-1941).

+ Sáng lập Mặt trận Việt Minh (19-5-1941). 

+ Xây dựng và mở rộng căn cứ địa cách mạng. 

+ Thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22-12-1944). 

+ Lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

4. Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Câu hỏi 1 (trang 96) Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Nêu vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1945-1946?

Trả lời:

- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối mặt với nạn đói, nạn mù chữ, sự chống phá của các thế lực ngoại xâm và nội phản.. Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm cách đưa cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách

- Trong việc giải quyết mối quan hệ Việt - Pháp (từ đầu tháng 3 đến trước ngày 19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng thực hiện chủ trương "hòa để tiến". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ động kí với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) và bản Tạm ước Việt - Pháp (14-9-1946).

- Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này đã giúp cách mạng Việt Nam tránh phải đối đầu cùng lúc với nhiều kẻ thủ, đồng thời có thêm thời gian hòa bình để xây dựng chính quyền cách mạng và chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài với thực dân Pháp.

Câu hỏi 2 (trang 97) Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Nêu vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 – 1954).

Trả lời:

- Hoạch định đường lối, phương châm kháng chiến: toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

- Mở rộng các hoạt động ngoại giao. 

- Chủ trì Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam (2 – 1951) – Đại hội kháng chiến thắng lợi.

- Chỉ đạo các chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường.

5. Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ năm 1954 đến năm 1969)

Câu hỏi (trang 98) Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Khai thác thông tin, tư liệu và các hình trong mục 5, nêu vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1969).

Trả lời:

- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những đóng góp to lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược của cách mạng ở mỗi miền Nam - Bắc và nhiệm vụ chung của cả nước.

+ Đối với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì và chỉ đạo xây dựng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (9-1960). Nghị quyết nêu rõ: Đại hội này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

+ Đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1-1959), xác định phương hướng cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm. Từ năm 1965, khi Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng phân tích tình hình, chỉ đạo toàn dân đánh Mỹ, đưa ra dự báo và thể hiện quyết tâm thắng Mỹ.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, có vai trò to lớn về hoạt động ngoại giao.

▪ Trong các chuyến thăm nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô. Cộng hoà Dân chủ Đức,...), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước và bạn bè quốc tế, đồng thời giữ vững đường lối độc lập tự chủ của cách mạng Việt Nam.

▪ Để nhân dân thế giới hiểu rõ và đồng tình ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho tiếng nói của nhân dân vạch trần tội ác chiến tranh của Mỹ trên cả hai miền Nam - Bắc, đón tiếp bạn bè quốc tế phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, trong đó có nhân sĩ trí thức Mỹ.

Luyện tập & Vận dụng

Luyện tập 1 (trang 98) Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Lập bảng tóm tắt về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam (1920 - 1969).

Trả lời:

Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc

Luyện tập 2 (trang 98) Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Phân tích một vai trò (tự chọn) của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam

Trả lời:

Vai trò trong việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam:

- Về chính trị, tư tưởng: 

+ Nguyễn Ái Quốc tích cực tố cáo bản chất áp bức, bóc lột, nổ dịch của chủ nghĩa thực dân với nhân dân các nước thuộc địa và kêu gọi, thức tỉnh nhân dân đấu tranh.

+ Từ giữa năm 1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, sau đó sáng lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Người viết nhiều bài trên các báo: Nhân đạo, Đời sống công nhân, Tạp chí Cộng sản, Tập san Thư tín quốc tế,....

+ Kế thừa những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và xuất phát từ thực tiễn phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đưa ra những luận điểm quan trọng về cách mạng giải phóng dân tộc, khẳng định vai trò của chính đảng vô sản trong thắng lợi của cách mạng.

- Về tổ chức: 

+ Tháng 6 – 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc).

+ Sau khi thành lập, Hội tổ chức các lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách. 

+ Hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có ảnh hưởng và thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển biến của phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của ba tổ chức cộng sản trong năm 1929. Đó là sự chuẩn bị trực tiếp cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vận dụng 3 (trang 98) Sử 12 Cánh Diều Bài 15: Sưu tầm tư liệu về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam (1945 – 1969). Giới thiệu những tư liệu đó với thầy cô và bạn học.

Tham khảo:

Vai trò trong việc mở rộng quan hệ ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam (1945 – 1969): 

- Xây dựng liên minh quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng các cơ hội để xây dựng liên minh quốc tế, liên kết với các quốc gia và tổ chức có cùng chủ trương giải phóng, độc lập dân tộc. Người  đã thiết lập mối quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc, và nhiều nước châu Á, châu Phi, và châu Mỹ Latinh, giúp Việt Nam có sự hỗ trợ quốc tế quan trọng trong cuộc chiến tranh.

- Tìm kiếm hỗ trợ vật chất và quân sự: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng ngoại giao để tìm kiếm hỗ trợ vật chất và quân sự cho cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Người  đã thương lượng với các đối tác quốc tế để đảm bảo nguồn lực cần thiết để duy trì sức mạnh quân đội và chiến đấu hiệu quả.

- Thúc đẩy cộng đồng quốc tế chống chiến tranh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng ngoại giao để thúc đẩy ý thức quốc tế chống chiến tranh, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam ngày càng trở thành một vấn đề toàn cầu. Người  đã tập trung vào việc thực hiện các chiến dịch hòa bình và tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.

Với những đóng góp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh vai trò lãnh đạo ngoại giao đa chiều, xác lập vị thế quốc tế và giúp cách mạng Việt Nam đạt được sự hỗ trợ và công nhận toàn cầu trong cuộc chiến tranh giành độc lập và tự do.