Lý thuyết Lịch Sử 11 Chân trời sáng tạo Bài 10: Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông thế kỉ XV

1. Bối cảnh lịch sử

- Sau những biến động của thế kỷ XIV, kinh tế và xã hội dần ổn định, nhưng bộ máy hành chính còn phân tán, kém hiệu quả.

- Triều đình cần củng cố quyền lực, kiểm soát bộ máy nhà nước, phát triển kinh tế và nâng cao vị thế đất nước.

2. Nội dung cuộc cải cách

- Chính trị - hành chính: Bãi bỏ chức Tể tướng và một số chức danh đại thần khác, loại bỏ sự thao túng của quý tộc; tổ chức khoa cử để tuyển chọn quan lại; cải tổ bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương.

- Quân sự: Chia quân đội thành hai loại (cấm binh và ngoại binh), tổ chức tập trận thường xuyên, tổ chức thi võ để tuyển chọn tướng sĩ.

- Kinh tế: Thực hiện chính sách quân điền, quy định thuế khoá rõ ràng, khuyến khích nông nghiệp, mở rộng diện tích đất canh tác.

- Luật pháp: Ban hành Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) để quy định các vấn đề pháp lý về hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân, tố tụng.

- Văn hóa - giáo dục: Đề cao Nho giáo, mở rộng giáo dục từ cấp phủ đến huyện, dựng bia Tiến sĩ để tôn vinh trí thức.

3. Kết quả và ý nghĩa

- Kết quả:

+ Xây dựng được hệ thống hành chính thống nhất trên phạm vi cả nước theo hướng tinh gọn, phân cấp, phân nhiệm minh bạch, có sự ràng buộc và giám sát lẫn nhau, bảo đảm sự chỉ đạo và tập trung quyền lực của chính quyền trung ương và của nhà vua.

+ Các hoạt động kinh tế, pháp luật, quân sự, văn hoá, giáo dục đều đạt được tiến bộ hơn hẳn so với các thời trước đó.

- Ý nghĩa:

+ Cải cách dưới triều vua Lê Thánh Tông là một cuộc cải cách khá toàn diện về mọi mặt, trọng tâm là cải cách hành chính, bao gồm cả thể chế lẫn quan chế.

+ Thành công của cuộc cải cách đã góp phần tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quan lại, đưa chính quyền quân chủ Lê sơ đạt đến đỉnh cao của mô hình quân chủ quan liêu chuyên chế.

+ Góp phần quan trọng vào ổn định và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội Đại Việt thế kỉ XV.

+ Mô hình quân chủ thời Lê sơ đã trở thành khuôn mẫu của các nhà nước phong kiến ở Việt Nam từ thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII.