I. Sinh quyển
1. Khái niệm và giới hạn của sinh quyển
Câu hỏi mục 1 SGK Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 15 (trang 64): Dựa vào hình 15 và thông tin trong bài, em hãy:- Cho biết sinh quyển là gì?
- Phân tích giới hạn của sinh quyển.

- Khái niệm: Sinh quyển là một trong những quyển của lớp vỏ Trái Đất mà thành phần, cấu trúc và năng lượng của nó chủ yếu được xác định bởi hoạt động của cơ thể sống.
- Giới hạn của sinh quyển: Gồm phần thấp của khí quyển, toàn bộ thủy quyển và phần trên của thạch quyển (lớp đất và vỏ phong hóa).
2. Đặc điểm sinh quyển
Câu hỏi mục 2 SGK Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 15 (trang 65): Dựa vào thông tin trong bài, em hãy phân tích những đặc điểm của sinh quyển.Trả lời:
* Những đặc điểm của sinh quyển:
- Chủ yếu là các cơ thể sống, khối lượng vật chất trong sinh quyển nhỏ hơn nhiều so với khối lượng vật chất của các quyển khác.
+ Thực vật: các loại thực vật sống cùng nhau tạo nên các thảm thực vật.
+ Động vật: sống bầy đàn trong các môi trường tự nhiên khác nhau.
+ Vi sinh vật: có mặt khắp nơi trong sinh quyển, có tính thích nghi mạnh và sinh sản nhanh.
- Sinh quyển có đặc tính tích luỹ năng lượng nhờ khả năng tổng hợp chất hữu cơ từ chất vô cơ.
- Sinh vật tham gia tích cực vào các vòng tuần hoàn vật chất rất quan trọng đối với sự sống
=> Ví dụ: vòng tuần hoàn cacbon, nitơ, photpho,...
II. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của sinh vật
Câu hỏi mục II SGK Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 15 (trang 65): Dựa vào thông tin trong bài, em hãy:- Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của sinh vật.
- Cho ví dụ liên hệ thực tế ở địa phương em.
Trả lời:
* Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của sinh vật
- Khí hậu và nguồn nước: Khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển và phân bố của sinh vật chủ yếu thông qua ánh sáng, nhiệt độ, nước và độ ẩm không khí.
- Đất: Đất là môi trường sống, là nguồn dinh dưỡng phong phú cho nhiều loài sinh vật. Đất vừa là giá thể cho cây, vừa cung cấp nước, chất khoáng, chất dinh dưỡng cho cây.
- Địa hình
+ Do điều kiện nhiệt ẩm thay đổi theo độ cao nên các kiểu thảm thực vật cũng thay đổi.
+ Hướng sườn và độ dốc khác nhau gây nên sự khác biệt về nhiệt, ẩm và chế độ chiếu sáng, do đó cũng ảnh hưởng tới độ cao xuất hiện và kết thúc của các vành đai thực vật.
- Sinh vật
+ Các sinh vật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau thể hiện qua chuỗi thức ăn - lưới thức ăn và nơi cư trú.
+ Có nhiều loài động vật ăn thực vật nhưng chúng cũng là thức ăn của những loài động vật ăn thịt.
+ Các loài sinh vật khi chết đi sẽ được sinh vật phân huỷ trở thành vật chất hữu cơ cung cấp trả lại cho đất.
- Con người: Con người có ảnh hưởng rất lớn đến sự phân bố thực vật, động vật trên Trái Đất. Con người có thể tạo nên các giống loài mới, mở rộng phạm vi phân bố của các loài.
* Ví dụ: Ở địa phương em đưa nhiều giống cây, con mới về trồng trọt và chăn nuôi nên làm đa dạng sinh vật,…
Luyện tập
Luyện tập 1: Lập sơ đồ thể hiện các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của sinh vật.Trả lời:

Luyện tập 2: Cho ví dụ về ảnh hưởng của con người đến sự phát triển và phân bố sinh vật.
Trả lời:
Ví dụ về ảnh hưởng của con người đến sự phát triển và phân bố sinh vật:
- Con người tạo nên các giống loài mới nhờ lai giống: Lai giữa lợn đực giống Yorkshire hoặc lợn đực Landrace với lợn nái Móng Cái để tạo ra giống lợn mới có thể trọng cao, tốc độ tăng trọng nhanh, tỉ lệ thịt nạc cao hơn so với lợn thịt Móng Cái.
- Con người đã thu hẹp nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật: Việc chặt phá rừng tự nhiên lấy gỗ đã làm suy giảm nhiều loài thực vật và mất nơi sinh sống của nhiều loài động vật.
Vận dụng
Câu hỏi Vận dụng: Em hãy sưu tầm tư liệu để giải thích lí do cây lúa nước phù hợp với điều kiện tự nhiên Việt Nam.Trả lời:
- Đặc điểm sinh thái của cây lúa gạo: Phát triển trong điều kiện khí hậu nóng ưa ẩm, đất phù sa và cần nhiều phân bón.
- Việt Nam nằm có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nền nhiệt, ẩm cao quanh năm; Mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều nước, giàu phù sa. Đồng thời nước ta có các đồng bằng rộng lớn, đất đai màu mỡ, đặc biệt là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long rất thích hợp trồng cây lúa nước.