Hoạt động mở đầu (trang 38) GDCD 9 Chân trời sáng tạo Bài 7: Em hãy quan sát các hình ảnh sau và cho biết những thay đổi nào đã xảy ra đối với các nhân vật và hậu quả những thay đổi đó
Trả lời:
- Hình 1: bạn nam vì chấn thương nên không thể tiếp tục học ngành Thể dục thể thao và dự tính sẽ chuyển sang học ngành khác
- Hình 2: người bà đã ra đi và để lại nỗi nhớ nhung cho người thân trong gia đình
Khám phá
1. Em hãy đọc câu chuyện và các trường hợp sau để trả lời câu hỏi
- Theo em, có những thay đổi nào đã xảy ra với các nhân vật trong câu chuyện và các trường hợp trên?
- Những thay đổi đó đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ?
Trả lời:
- Có nhiều thay đổi đã xảy ra với các nhân vật trong câu truyện và các trường hợp trên:
+ Trong câu chuyện: sau cơn bạo bệnh, Nguyễn Ngọc Ký đã bị liệt cả 2 tay.
+ Trong trường hợp 1: mẹ bạn K bị tai nạn lao động; Bố bạn K phải xin nghỉ việc không lương để vào bệnh viện chăm sóc mẹ
+ Trong trường hợp 2: bố bạn C làm ăn bị phá sản, phải bán nhà.
- Những thay đổi trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các nhân vật:
+ Trong câu chuyện: Nguyễn Ngọc Ký đã bị liệt cả 2 tay; mọi sinh hoạt trong đời sống thường nhật bị đảo lộn; bên cạnh đó, Ký còn bị bạn bè kì kì, chế giễu
+ Trong trường hợp 1: sức khỏe của mẹ bạn K sụt giảm; thu nhập của gia đình cũng giảm sút (do mẹ nằm viện; bố phải nghỉ việc không lương để chăm sóc mẹ); bạn K phải thay mẹ quán xuyến công việc gia đình.
+ Trong trường hợp 2: thu nhập của gia đình bạn C sụt giảm nghiêm trọng (do bố C làm ăn thua lỗ, bị phá sản, phải bán nhà); cả gia đình C đều rơi vào tâm trạng buồn bã, lo lắng.
2. Em hãy đọc nội dung sau và trả lời câu hỏi
- Anh B đã làm gì để thích ứng với sự thay đổi của bản thân?
- Để thích ứng với sự thay đổi, cần rèn luyện những kĩ năng nào?
Trả lời:
* Anh B đã thích ứng với sự thay đổi của bản thân bằng cách:
- Chấp nhận thực tế rằng chân mình đã gãy và sẽ không thể chạy điền kinh được nữa
- Giữ bình tĩnh trong tình huống khẩn cấp khi bị tan nạn, tìm kiếm sự hỗ trợ từ người đi đường và bạn thân
- Chủ động tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách tìm hiểu thông tin về việc chuyển ngành học và lựa chọn ngành học mới phù hợp với tình hình sức khỏe và khả năng của mình
* Để thích ứng với sự thay đổi, cần rèn luyện những kĩ năng:
- Chấp nhận thực tế và đối diện với sự thay đổi một cách tích cực
- Quản lí cảm xúc
- Giải quyết vấn đề
3. Em hãy quan sát các hình ảnh sau để tư vấn cách thích ứng với thay đổi phù hợp cho các nhân vật
Trả lời:
- Hình 1: Bạn nữ nên thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, từ đó chuẩn bị tinh thần ổn định và chăm sóc tốt cho bản thân cùng gia đình
- Hình 2: bạn nam nên xin lỗi, thành thật bảo bố mẹ rằng đã làm mất tiền, để từ đó tìm ra hướng giải quyết tốt nhất
Luyện tập
Luyện tập 1 (trang 41) GDCD 9 Chân trời sáng tạo Bài 7: Em đồng tình hay không đồng tình với cách thích ứng với sự thay đổi nào dưới đây? Vì sao?
a. Bạn M luôn nhờ đến sự giúp đỡ của người khác khi bố hoặc mẹ bị ốm nặng
b. Bạn A thích đọc sách về các danh nhân để tìm hiểu và học hỏi từ họ, nhất là cách họ đối diện với thất bại
c. Bạn Y hay suy nghĩ theo hướng tiêu cực khi đối diện với khó khăn
d. Bạn B luôn tự mình giải quyết mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống
Lời giải:
a. Không đồng tình. Vì khi có biến cố xảy ra, bản thân cần chủ động giải quyết trước khi tìm đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè
b. Đồng tình. Vì việc học hỏi từ kinh nghiệm của các danh nhân là một cách thông minh để trang bị kiến thức và kĩ năng cần thiết để đối phó với sự thay đổi và khó khăn trong cuộc sống
c. Không đồng tình. Vì suy nghĩ tiêu cực không đem lại lợi ích gì mà chỉ làm gia tăng sự căng thẳng và khó khăn trong quá trình thích ứng và thay đổi
d. Không đồng tình. Vì trong quá trình giải quyết các biến cố, chúng ta nên tham khảo và chia sẻ với người thân, bạn bè, thầy cô hoặc người có chuyên môn để có được cách giải quyết phù hợp nhất
Luyện tập 2 (trang 42) GDCD 9 Chân trời sáng tạo Bài 7: Em hãy quan sát hình ảnh dưới đây để xây dựng bài thuyết trình về sự thích ứng và ý nghĩa của việc thích ứng với sự thay đổi trong cuộc sống.
Lời giải:
Trong hành trình sống, khả năng thích ứng là chìa khóa quan trọng cho mỗi cá nhân. Thích ứng với sự thay đổi giúp chúng ta vượt qua được sự thay đổi của hoàn cảnh; sống phù hợp với hoàn cảnh; không ngừng tự hoàn thiện và phát triển bản thân. Dù cuộc sống có biến đổi ra sao, ta vẫn mạnh mẽ đối mặt, tránh được những trở ngại.
Thích ứng không chỉ rèn luyện bản lĩnh mà còn mài dũa quyết tâm, lòng tự tin, và sự trân trọng cuộc sống. Sự thích ứng là một kỹ năng cần phải rèn luyện mỗi ngày bởi nó xuất hiện ở mọi hoàn cảnh. Để học cách thích nghi, chúng ta cần phát triển lòng tự tin, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, không ngừng nâng cao tri thức cũng như đạo đức để chuẩn bị tốt nhất cho hành trang trên con đường đời.
Luyện tập 3 (trang 42) GDCD 9 Chân trời sáng tạo Bài 7: Em hãy đọc các tình huống sau và đề xuất cách thích ứng với sự thay đổi một cách phù hợp, hiệu quả
Tình huống 1. Ngày cuối tuần, bạn N sang nhà bạn C chơi. Trong lúc cả hai đang chơi cờ vua thì có tiếng gọi thất thanh từ một người hàng xóm: "N đâu, về mau, nhà cháu cháy hết rồi kìa”. Vừa nghe xong, bạn N hốt hoang, bật khóc tức tưởi và luống cuống không biết phải làm gì.
Tình huống 2. Sau lần bị bỏng nước sôi, một phần ba khuôn mặt của bạn B bị sẹo. Bạn B rất buồn, tự ti, bế tắc và luôn tìm cách tránh mặt mọi người.
Lời giải:
- Tình huống 1. Trong tình huống này, bạn N cần:
+ Giữ bình tĩnh.
+ Liên hệ tới số điện thoại đường dây nóng để tìm kiếm sự trợ giúp của lực lượng cứu hỏa/ cứu hộ, cứu nạn (số 114 hoặc 112); đồng thời, trong lúc chờ đợi lực lượng chức năng; bạn N cần nhờ cậy sự giúp đỡ của hàng xóm và mọi người xung quanh để cùng ứng phó với tình trạng hỏa hoạn.
+ Đảm bảo an toàn cho bản thân.
+ Liên hệ với người thân (bố mẹ,…) để thông báo tình hình.
- Tình huống 2. Việc bị bỏng nước sôi có thể gây ra sự tổn thương về thể chất và tinh thần đối với ai đó. Để giúp bạn B thích ứng và vượt qua tình trạng này, dưới đây là một số gợi ý:
+ Chấp nhận và học cách yêu thương bản thân mình.
+ Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý, nhằm giúp bản thân làm chủ cảm xúc, tăng cường tự tin và khích lệ tinh thần.
+ Trao đổi, tâm sự, chia sẻ cảm xúc của bản thân với người thân và bạn bè có thể giúp giảm bớt cảm giác cô đơn và cảm thấy được ủng hộ.
+ Bạn B có thể tìm cách cải thiện tình trạng da thông qua việc: sử dụng các loại dược – mĩ phẩm phù hợp (theo sự tư vấn, kê đơn của bác sĩ)
+ Thử tham gia vào các hoạt động giúp giảm căng thẳng như yoga, thiền, đi dạo,…. Các hoạt động này có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn và giảm bớt đau đớn.
Vận dụng
Em hãy sưu tầm một câu chuyện hoặc một trường hợp chưa thích ứng với sự thay đổi để xây dựng kịch bản và đề xuất cách giải quyết
Lời giải:
- Tình huống: Minh là một học sinh năng động, luôn có thành tích học tập tốt và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Trong một kì học mới, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trường học quyết định triển khai hình thức học kỳ hỗn hợp, kết hợp cả học trực tuyến và học truyền thống. Điều này khiến Minh cảm thấy bối rối và không biết làm thế nào để thích ứng. Cậu ấy không còn cảm thấy hứng thú với việc học và cảm thấy mất động lực.
* Đề xuất cách giải quyết phù hợp:
- Minh cần chấp nhận rằng môi trường học tập đã thay đổi và việc phải học trực tuyến là một phần của sự thay đổi đó.
- Minh có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ giáo viên, bạn bè hoặc người thân để giúp đỡ trong việc thích ứng với hình thức học tập mới.
- Minh có thể tìm kiếm cách tiếp cận mới và hiệu quả hơn trong việc học trực tuyến. Cậu ấy có thể sử dụng các công cụ và tài nguyên trực tuyến để nâng cao kỹ năng học tập của mình và tạo ra một lịch trình học tập cụ thể.
- Thay vì chìm đắm trong nỗi lo lắng và bế tắc, Minh cần tập trung vào việc thúc đẩy sự tự giác và động viên bản thân.