Mở đầu
Mở đầu SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 31): Hãy nêu ví dụ về một trường hợp thất nghiệp mà em biết và chia sẻ với các bạn về hậu quả của thất nghiệp với trường hợp đó.Trả lời:
- Ví dụ: Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp X phải thu hẹp quy mô sản xuất khiến ông A và nhiều lao động khác bị mất việc làm, không có thu nhập. Đã gần hai tháng, ông A tìm việc ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa được.
- Hậu quả:
+ Người lao động giảm thu nhập, cuộc sống khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần bị ảnh hưởng.
+ Nhà nước phải tăng chi ngân sách để hỗ trợ giải quyết trợ cấp thất nghiệp.
+ Do thu nhập của người lao động bị sụt giảm, nên họ cũng tiết chế, cân nhắc hơn trong chi tiêu, từ đó dẫn đến sụt giảm cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ => nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất.
1. Khái niệm thất nghiệp

Câu hỏi mục 1 SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 32): Từ hai thông tin trên, em hãy cho biết tình trạng một bộ phận lao động trong lực lượng lao động không có việc làm được gọi là gì?
Trả lời:
- Qua hai thông tin trên, có thể thấy tình trạng một bộ phận lao động trong lực lượng lao động không có việc làm được gọi là thất nghiệp.
2. Các loại hình thất nghiệp và nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp
Câu hỏi 1 SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 32): Em hãy cho biết nguồn gốc dẫn đến thất nghiệp trong từng trường hợp trên là gì?Trả lời:
- Trường hợp 1: Nguồn gốc dẫn đến thất nghiệp là: người lao động thay đổi công việc
- Trường hợp 2: Nguồn gốc dẫn đến thất nghiệp là: sự đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng tin học trong quản lí, đưa máy móc tự động hóa vào sản xuất.
- Trường hợp 3: Nguồn gốc dẫn đến thất nghiệp là: nền kinh tế đang bị suy thoái khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất kinh doanh.
Câu hỏi 2 SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 32): Theo em có những loại hình thất nghiệp nào trong nền kinh tế thị trường.
Trả lời:
Có nhiều tiêu chí phân loại thất nghiệp. Căn cứ vào nguồn gốc thất nghiệp, thất nghiệp được chia thành các loại:
- Thất nghiệp tạm thời: Là tình trạng thất nghiệp xuất hiện khi người lao động thay đổi công việc hoặc chỗ ở,... chưa xin được việc làm mới nên tạm thời thất nghiệp
- Thất nghiệp cơ cấu: Là tình trạng thất nghiệp xuất hiện do có sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động, sự dịch chuyển cơ cấu giữa các ngành trong nền kinh tế hoặc sự thay đổi phương thức sản xuất trong một ngành.
- Thất nghiệp chu kì: Là tình trạng thất nghiệp xuất hiện do tính chu kì của nền kinh tế khi nền kinh tế bị suy thoái hoặc khủng hoảng dẫn đến mức cầu chung về lao động giảm.
Ngoài ra, theo đặc trưng đặc trưng của người thất nghiệp còn có các loại hình thất nghiệp theo giới tính; thất nghiệp theo lứa tuổi; thất nghiệp theo vùng, lãnh thổ và thất nghiệp theo ngành nghề….; theo tính chất thất nghiệp còn có thất nghiệp tự nguyện; thất nghiệp không tự nguyện; thất nghiệp thời vụ và thất nghiệp trá hình...
3. Hậu quả của thất nghiệp

Câu hỏi 1 SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 34): Từ thông tin trên, em hãy cho biết thất nghiệp đã ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của nền kinh tế.
Trả lời:
Đối với hoạt động của nền kinh tế:
+ Tình trạng thất nghiệp tăng cao đã làm cho sản lượng của nền kinh tế ở dưới mức tiềm năng, sức mua của nền kinh tế giảm sút, các doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận.
+ Tình trạng thất nghiệp cũng gây lãng phí lao động xã hội, làm giảm sản lượng của nền kinh tế, dẫn đến suy thoái kinh tế.
Câu hỏi 2 SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 34): Từ trường hợp trên, theo em thất nghiệp gây ảnh hưởng gì về mặt xã hội?
Trả lời:
Ảnh hưởng của thất nghiệp đối với xã hội:
- Thất nghiệp làm người lao động không có thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động và gia đình họ gặp khó khăn.
- Thất nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm xuất hiện các tệ nạn xã hội.
4. Vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp
Câu hỏi 1 SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 35): Nhà nước có vai trò gì trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp?Trả lời:
Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp, thông qua việc:
- Ban hành các chính sách thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo việc làm…;
- Phát triển hệ thống dạy nghề, dịch vụ việc làm,…
- Bảo hiểm thất nghiệp, xuất khẩu lao động,…
Câu hỏi 2 SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 35): Học sinh có trách nhiệm gì trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về tạo việc làm, kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp?
Trả lời:
- Học sinh cần học tập, rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, việc làm; thực hiện đúng và tuyên truyền, vận động những người xung quanh ủng hộ, chấp hành; đồng thời biết phê phán những hành vi vi phạm chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.
Luyện tập
Luyện tập 1 SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 36): Em hãy cho biết những nhận định dưới đây là đúng hay sai. Vì sao?A. Thất nghiệp là tình trạng tồn tại khi một bộ phận dân số ngoài độ tuổi lao động muốn làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.
B. Thất nghiệp là tình trạng tồn tại khi một bộ phận dân số ngoài lực lượng lao động không có việc làm.
C. Thất nghiệp là tình trạng tồn tại khi một bộ phận lực lượng lao động muốn làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.
D. Thất nghiệp là tình trạng tồn tại khi một bộ phận dân số trong độ tuổi lao động không có việc làm vì đang đi học.
Lời giải:
- Nhận định C đúng; nhận định A, B, D sai.
- Giải thích: Thất nghiệp là tình trạng tồn tại khi một bộ phận lực lượng lao động muốn làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.
Luyện tập 2 SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 36): Em hãy cho biết các tình trạng chưa có việc làm dưới đây thuộc loại hình thất nghiệp nào? Vì sao?
A. Chưa có việc làm do thay đổi công việc, chỗ ở,...
B. Chưa có việc làm do sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động, sự dịch chuyển cơ cấu giữa các ngành trong nền kinh tế, sự thay đổi phương thức sản xuất trong một ngành,...
C. Chưa có việc làm do tính chu kì của nền kinh tế nền kinh tế bị suy thoái hoặc khủng hoảng dẫn đến mức cầu chung về lao động giảm.
Lời giải:
- Trường hợp A: Thất nghiệp tạm thời. Vì nguồn gốc dẫn đến thất nghiệp là do người lao động thay đổi việc làm, chỗ ở,… chưa xin được việc làm mới nên tạm thời thất nghiệp.
- Trường hợp B: Thất nghiệp cơ cấu. Vì nguồn gốc dẫn đến thất nghiệp là do sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động, sự dịch chuyển cơ cấu giữa các ngành trong nền kinh tế hoặc sự thay đổi phương thức sản xuất trong một ngành.
- Trường hợp C: Thất nghiệp chu kì. Vì nguồn gốc dẫn đến thất nghiệp là do nền kinh tế đang ở thời kì suy thoái, khủng hoảng.
Luyện tập 3 SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 36): Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi
Thông tin. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, tỉ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên là 2,05%. Tỉ lệ lao động thất nghiệp theo giới tính, nhóm tuổi cụ thể như sau:

a) Tỉ lệ thất nghiệp cao tập trung ở nhóm tuổi nào?
b) Việc tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao sẽ gây ra những hậu quả gì?
Lời giải:
* Yêu cầu a) Tỉ lệ thất nghiệp cao tập trung ở 2 nhóm tuổi là: từ 15 - 24 tuổi và từ 25 - 54 tuổi.
* Yêu cầu b) Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Cụ thể:
- Đối với nền kinh tế:
+ Làm cho sản lượng của nền kinh tế ở dưới mức tiềm năng, sức mua của nền kinh tế giảm sút, các doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận.
+ Gây lãng phí lao động xã hội, làm giảm sản lượng của nền kinh tế, dẫn đến suy thoái kinh tế.
- Đối với xã hội:
+ Khiến người lao động không có thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động và gia đình họ gặp khó khăn.
+ Là một trong những nguyên nhân cơ bản làm xuất hiện các tệ nạn xã hội.
Luyện tập 4 SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 37): Em hãy đọc thông tin trong các trường hợp sau và trả lời câu hỏi:
Trường hợp 1. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 2030 tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới.
Trường hợp 2. Chính phủ xây dựng hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trường hợp 3. Chính phủ thúc đẩy kí kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để xuất khẩu lao động, mở rộng thị trường lao động ngoài nước nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động.
Em hãy kể tên các biện pháp Nhà nước đã thực hiện để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp được đề cập ở thông tin trên.
Lời giải:
Các biện pháp Nhà nước đã thực hiện để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp được đề cập là:
- Thông tin a. Phê chuẩn chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp.
- Thông tin b. Xây dựng, phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm.
- Thông tin c. Xuất khẩu lao động, mở rộng thị trường lao động.
Vận dụng
Vận dụng SGK Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều Bài 5 (trang 37): Hãy xây dựng một video clip/ bài thuyết trình giới thiệu về tấm gương thanh niên lập nghiệp điển hình mà em biết và rút ra bài học đối với bản thân.Trả lời:
Anh Lương Văn Trường, Chủ tịch HĐQT và Giám đốc của Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Nam Đại Dương, đã trải qua một hành trình ấn tượng từ khi tốt nghiệp ngành công nghệ đến việc thành lập một nông trại đặc biệt ở quê nhà Nam Định.
Sau khi tham gia Dự án quốc gia 600 Phó Chủ tịch xã trẻ, anh Trường đã quyết định quay về quê để khởi nghiệp. Nhận thấy tiềm năng của Nam Định trong sản xuất lúa nhưng thiếu sản phẩm thương hiệu, anh đã tập trung vào việc sản xuất gạo mầm và hạt giống lúa chất lượng. Dù gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, nhưng anh đã vượt qua và sáng tạo ra quy trình sản xuất hạt giống lúa được công nhận bằng chứng nhận quyền tác giả. Sản phẩm của anh đã thu hút sự quan tâm của các tập đoàn lớn và nhận được sự ủng hộ từ thị trường. Từ một nông trại đơn lẻ, HTX Thanh niên Nam Đại Dương đã phát triển thành một tổ chức lớn hơn với nhiều thành viên và quy mô sản xuất mở rộng. Điều này không chỉ tạo ra thu nhập cho địa phương mà còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Anh Trường cùng với HTX của mình không chỉ dừng lại ở việc sản xuất mà còn đang nghiên cứu và phát triển các giải pháp kỹ thuật mới để thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Họ cũng đang phấn đấu để xuất khẩu sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế, góp phần tăng cường uy tín của nông sản Việt Nam trên toàn cầu.