Mở đầu SGK Địa lí 8 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 134): Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, có vai trò đặc biệt quan trọng đổi với địa bàn cư trú, phát triển sản xuất của các ngành kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Hãy nêu giá trị sử dụng của tải nguyên đất ở nước ta đối với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.
Trả lời:
- Trong nông nghiệp: tài nguyên đất được khai thác để trồng các cây công nghiệp lâu năm, cây dược liệu, cây lương thực, cây ăn quả,…; phát triển chăn nuôi gia súc.
- Trong lâm nghiệp: tài nguyên đất được khai thác để phát triển rừng sản xuất với các loại cây như: thông, keo, bạch đàn và các loại cây lấy gỗ khác.
- Trong thủy sản:đất phù sa ở các cửa sông, ven biển có nhiều lợi thế để phát triển ngành thuỷ sản. Ở các rừng ngập mặn ven biển, các bãi triều ngập nước thuận lợi cho việc nuôi trồng nhiều loại thủy sản, nước lợ và nước mặn khác nhau.
1. Đặc điểm của đất feralit và giá trị sử dụng
Câu hỏi SGK Địa lí 8 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 134): Dựa vào hình 12.1 và thông tin trong bài, em hãy phân tích:
- Đặc điểm của đất feralit.
- Giá trị sử dụng của đất feralit trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Trả lời:
* Đặc điểm đất feralit:
- Đất feralit ở nước ta có lớp vỏ phong hoá dày, thoáng khí, dễ thoát nước.
- Đất thường có màu đỏ vàng do có nhiều hợp chất sắt, nhôm.
- Phần lớn nhóm đất này có đặc điểm chua, nghèo các chất badơ và mùn.
- Do bị rửa trôi mạnh nên các hợp chất oxit sắt và oxit nhôm thường tích tụ thành kết von hoặc đá ong, nằm cách mặt đất khoảng 0,5 - 1 m. Khi bị mất lớp phủ thực vật và lộ ra bề mặt, lớp đá ong này sẽ cứng lại, đất trở nên xấu và không thể trồng trọt.
* Giá trị sử dụng của đất feralit trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
- Đối với sản xuất nông nghiệp:
+ Đất feralit thích hợp để trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, phát triển đồng cỏ để chăn nuôi gia súc lớn,...
+ Ở những nơi có độ dốc nhỏ, có thể kết hợp trồng cây công nghiệp hàng năm, cây thực phẩm và cây lương thực.
- Đối với sản xuất lâm nghiệp: đất feralit thích hợp để phát triển rừng sản xuất với các loại cây như thông, keo, bạch đàn và các loại cây lấy gỗ khác.
2. Đặc điểm của đất phù sa và giá trị sử dụng
Câu hỏi SGK Địa lí 8 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 135): Dựa vào hình 12.2 và thông tin trong bài, em hãy phân tích:
- Đặc điểm của đất phù sa.
- Giá trị sử dụng của đất phù sa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Trả lời:
* Đặc điểm của đất phù sa.
- Được hình thành do quá trình bồi tụ của các hệ thống sông.
- Đất phù sa ở nước ta có đặc điểm chung là tầng đất dày và phì nhiêu. Tuy nhiên, do điều kiện hình thành và quá trình khai thác đã tạo ra các loại đất phù sa có tính chất khác nhau:
+ Đất phù sa sông (điển hình là đất phù sa của sông Hồng và sông Cửu Long) là loại đất phù sa trung tính, ít chua; đất có màu nâu, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng.
+ Đất phèn là loại đất hình thành ở những vùng trũng nước lâu ngày; đất bị chua, nghèo dinh dưỡng.
+ Đất mặn là loại đất được hình thành ở các vùng cửa sông, ven biển.
- Ngoài ra, còn một số loại đất phù sa khác như: đất xám trên phù sa cổ, đất cát ven biển,..
* Giá trị sử dụng của đất phù sa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
+ Trong nông nghiệp: phù hợp sản xuất cây lương thực (lúa, ngô,...) , cây công nghiệp hàng năm (dâu tằm, thuốc lá, bông,...) và cây ăn quả.
+ Trong thủy sản: vùng đất phèn, đất mặn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản như tôm, cua, cá; Các rừng ngập mặn ven biển, bãi triều ngập nước, cửa sông lớn thuận lợi cho nuôi trồng nhiều loại thủy sản nước lợ và nước mặn (cá, tôm,...).
3. Tính cấp thiết của vấn đề chống thoái hóa đất ở nước ta
Câu hỏi SGK Địa lí 8 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 136): Dựa vào thông tin trong bài, em hãy chứng minh tính cấp thiết của vấn đề chống thoái hóa đất ở nước ta.
Trả lời:
- Thực trạng: Nước ta có hàng triệu ha đất bị thoái hoá ở các mức độ khác nhau. Biểu hiện cụ thể, là:
+ Đất bị rửa trôi, xói mòn chiếm diện tích lớn ở các vùng đồi núi do nạn phá rừng, vì vậy, đất không còn độ phì, chất dinh dưỡng cho thực vật phát triển, đất khó phục hồi.
+ Đất canh tác, nhất là đất trồng trọt bị suy giảm độ phì, bạc màu do khai thác quá mức; đất còn bị ô nhiễm do sử dụng nhiều phân hoá học, thuốc trừ sâu và ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt chưa qua xử lí,...
+ Nguy cơ đất bị hoang mạc hoá xảy ra ở một số nơi khô hạn; mặn hoá do nước biển xâm nhập ở vùng ven biển;...
- Hậu quả: Thoái hóa đất dẫn đến độ phì của đất giảm, mất chất dinh dưỡng, khiến năng suất cây trồng bị ảnh hưởng, thậm chí nhiều nơi đất bị thoái hóa nặng không thể sử dụng cho trồng trọt.
=> Kết luận: Việc ngăn chặn thoái hóa đất, nâng cao chất lượng đất có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo tài nguyên đất cho sản xuất nông, lâm nghiệp.
Luyện tập
Câu hỏi 1 SGK Địa lí 8 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 137): Dựa vào kiến thức đã học, em hãy hoàn thành bảng theo mẫu sau:
Trả lời:
Câu hỏi 2 SGK Địa lí 8 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 137): Lấy ví dụ cụ thể chứng minh một số loại đất của nước ta đang bị thoái hóa
Trả lời:
- Tình trạng thoái hóa đất thể hiện rõ ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Đất bị thoái hóa theo nhiều cách khác nhau như xói mòn, mất các vi sinh vật trong đất, giảm lượng chất hữu cơ,... do lạm dụng máy móc và phân bón hóa học, ngập lụt, hạn hán,... khiến đất không giữ được nước => nhiều cây ăn quả không thể sống được, dễ bị dịch bệnh.
Vận dụng
Câu hỏi SGK Địa lí 8 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 137): Hãy liệt kê các hành động mà em có thể làm được để góp phần bảo vệ tài nguyên đất.
Trả lời:
- Một số hành động mà em có thể làm được để góp phần bảo vệ tài nguyên đất:
+ Dọn dẹp, vệ sinh lớp học, khuôn viên nhà ở.
+ Vứt rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng rác thải nhựa.
+ Trồng cây xanh.
+ Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
+ Vận động người thân và mọi người xung quanh thực hiện nghiêm Luật đất đai do nhà nước ban hành.
+ Vận động người thân và mọi người xung quanh tăng cường sử dụng các sản phẩm phân bón sinh học; hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
+ Phê phán các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất (ví dụ: sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, chặt phá rừng,…).