Mở đầu
Hoạt động mở đầu SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 5): Một trong những thành tựu của ngành Sinh học là tạo ra các loài sinh vật biến đổi gene (Genetically Modified Organism– GMO), nhà đó, mang lại cho con người những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thời gian bảo quản lâu hơn, giá thành rẻ hơn, đặc biệt, thành tựu này còn góp phần giải quyết vấn đề nạn đói trên thế giới. Ngoài việc đảm bảo nguồn thực phẩm, ngành Sinh học còn có những vai trò gì đối với đời sống con người?
* Vai trò của ngành Sinh học đối với cuộc sống con người:
– Góp phần vào sự phát triển kinh tế
– Xã hội, làm thay đổi mạnh mẽ nền công nghiệp, nông nghiệp, y học,..; tăng chất lượng, hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường.
– Giúp con người giảm bệnh tật, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, nâng cao điều kiện chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh, gia tăng tuổi thọ.
I. Đối tượng, lĩnh vực nghiên cứu và mục tiêu môn sinh học
1. Đối tượng và lĩnh vực nghiên cứu của sinh học
Câu hỏi 1 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 5): Hãy đặt ra các câu hỏi liên quan đến hiện tượng trong Hình 1.2.
- Mô tả cấu tạo của hoa.
- Đặc điểm nào của hoa thu hút bướm đến hút mật?
- Hiện tượng bướm hút mật ở hoa có ý nghĩa gì đối với hoa và đối với loài bướm.
- Bướm đã sử dụng bộ phận nào để hút mật hoa?
- Hoạt động này diễn ra trong giai đoạn phát triển nào của cây?
- Hãy đưa ra các phương thức phát tán ở thực vật có hoa.
- Nếu diệt hết các loại sâu bướm trên Trái đất, điều gì sẽ xảy ra?
Câu hỏi 2 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 5): Hãy sắp xếp các câu hỏi đã đặt ra vào những nội dung sau:
a) Hình thái và cấu tạo cơ thể.
b) Hoạt động chức năng của cơ thể.
c) Mối quan hệ giữa các cá thể với nhau.
d) Mối quan hệ giữa các cá thể với môi trường.
e) Quá trình tiến hóa của sinh vật.
Trả lời:
a) Câu hỏi về hình thái và cấu tạo cơ thể:
- Bộ phận dùng để hút mật hoa của bướm là gì?
- Những đặc điểm nào của hoa giúp thu hút bướm đến hút mật?
b) Câu hỏi về hoạt động chức năng của cơ thể:
- Hoạt động hút mật của bướm có vai trò như thế nào?
c) Câu hỏi về mối quan hệ giữa các cá thể với nhau:
- Hoa và bướm có mối quan hệ như thế nào?
d) Câu hỏi về mối quan hệ giữa cá thể với môi trường:
- Nếu tiêu diệt hết bướm thì có thể gây ra những ảnh hưởng gì đối với môi trường?
e) Câu hỏi về quá trình tiến hóa của sinh vật:
- Cơ quan hút mật hoa của bướm đã tiến hóa như thế nào để phù hợp với loài hoa mà chúng lấy mật?
- Hoa đã có cấu tạo thích nghi như thế nào để bướm có thể dễ dàng hút mật và gián tiếp giúp cho quá trình thụ phấn xảy ra?
Câu hỏi 3 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 6): Hãy kể tên một số lĩnh vực của của ngành Sinh học. Nhiệm vụ chính của mỗi lĩnh vực đó là gì ?
Trả lời:
– Di truyền học: nghiên cứu về di truyền và biến dị ở các loài sinh vật
– Sinh học phân tử: nghiên cứu về cơ sở phân tử của các cơ chế di truyền cũng như các hoạt động sống của tế bào.
– Sinh học tế bào: nghiên cứu về cấu tạo và các hoạt động sống của tế bào
– Vi sinh vật học: nghiên cứu các đặc điểm hình thái, cấu tạo, phân bố các quá trình sinh học cũng như vai trò, tác hại của các loài vi sinh vật đối với tự nhiên và con người.
– Giải phẫu học: nghiên cứu về hình thái và cấu tạo bên trong cơ thể sinh vật
– Sinh lí học: Nghiên cứu các quá trình diễn ra bên trong cơ thể sinh vật sống thông qua các cơ quan và hệ cơ quan
– Động vật học: nghiên cứu về hình thái, giải phẫu, sinh lí, phân loại và hành vi của động vật cũng như vai trò và tác hại của chúng đối với tự nhiên và con người.
– Thực vật học: nghiên cứu về hình thái, giải phẫu, sinh lí, phân loại thực vật cũng như vai trò và tác hại của chúng đối với tự nhiên và con người.
– Sinh thái học và môi trường: nghiên cứu về mối quan hệ tương tác qua lại giữa các cá thể sinh vật với nhau và với môi trường sống của chúng, sự thay đổi của các yếu tố môi trường và những vấn đề liên quan đến môi trường.
– Công nghệ sinh học: sử dụng tế bào sống và các quá trình sinh học để tạo ra các sản phẩm sinh học cần thiết cho con người.
Câu hỏi 4 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 6): Để trả lời các câu hỏi đã đặt ra, ta cần tìm hiểu lĩnh vực nào của ngành Sinh học?
Trả lời:
– Để trả lời các câu hỏi đã đặt ra theo yêu cầu ở Câu 1, ta cần tìm hiểu lĩnh vực của ngành Sinh học là:
+ Giải phẫu học: Nghiên cứu về hình thái và cấu tạo bên trong cơ thể sinh vật.
+ Động vật học: Nghiên cứu về hình thái, giải phẫu, sinh lí, phân loại và hành vi của động vật cũng như vai trò và tác hại của chúng đối với tự nhiên và con người.
+ Thực vật học: Nghiên cứu về hình thái, giải phẫu, sinh lí, phân loại thực vật; vai trò tác hại của thực vật đối với tự nhiên và đối với con người.
+ Sinh thái học và môi trường: Nghiên cứu mối quan hệ tương tác qua lại giữa các cá thể sinh vật với nhau và với môi trường sống của chúng, sự thay đổi của các yếu tố môi trường và những vấn đề liên quan đến môi trường.
Luyện tập SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 6): Nếu yêu thích môn Sinh học, em sẽ chọn lĩnh vực nào của ngành Sinh học? Tại sao?
Lời giải:
– Trong các lĩnh vực của ngành Sinh học, lĩnh vực mà em yêu thích nhất là Vi sinh vật học:
+ Vì khi nhắc đến vi sinh vật chúng ta thường nghĩ là chúng có hại. Nhưng khi nghiên cứu sâu hơn chúng ta sẽ thấy được vi sinh vật có rất nhiều ứng dụng rất hữu ích: lên men rượu, làm phân bón sinh học, xử lí rác thải, làm sạch môi trường nước… Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu và ứng dụng về vi sinh vật vẫn còn nhiều hạn chế, do đó lựa chọn đề tài này để có thể nghiên cứu thêm nhiều lợi ích của vi sinh vật phục vụ cho con người.
2. Mục tiêu học tập của môn sinh học
Câu hỏi 5 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 6): Học tập môn Sinh học mang lại cho chúng ta những lợi ích gì?Trả lời:
– Học tập môn Sinh học giúp chúng ta:
+ Tìm hiểu rõ được sự hình thành và phát triển của thế giới sống, các quy luật của tự nhiên để từ đó giữ gìn bảo vệ sức khỏe.
+ Biết yêu và tự hào về thiên nhiên, quê hương, đất nước; có thái độ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên; ứng xử với thiên nhiên phù hợp với sự phát triển bền vững.
+ Hình thành và phát triển năng lực sinh học, gồm các thành phần năng lực như: nhận thức sinh học; tìm hiểu thế giới sống; vận dụng kiến thức; kĩ năng đã học vào thực tiễn.
+ Rèn luyện thế giới quan khoa học, tinh thần trách nhiệm, trung thực và nhiều năng lực cần thiết.
Vận dụng SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 6): Em sẽ thể hiện tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước bằng những hành động cụ thế nào?
Lời giải:
– Bảo vệ môi trường
+ Giảm thiểu rác thải: Hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tái chế và tái sử dụng những vật dụng có thể.
+ Tiết kiệm nước và năng lượng: Tắt điện khi không sử dụng, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, không lãng phí nước.
+ Tham gia các hoạt động trồng cây, chăm sóc cây cối tại khu vực mình sinh sống.
– Tham gia hoạt động cộng đồng
+ Tham gia các chiến dịch làm sạch môi trường: Tham gia dọn rác tại các khu vực công cộng như bãi biển, công viên.
+ Tham gia các chương trình tình nguyện, giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi hoặc người già neo đơn.
– Gìn giữ văn hóa dân tộc
+ Học hỏi và tìm hiểu văn hóa truyền thống: Tham gia các lớp học về văn hóa dân tộc, nghệ thuật truyền thống như múa, hát dân ca, làm đồ thủ công.
+ Bảo tồn di sản văn hóa
– Học tập và truyền bá kiến thức
+ Nâng cao kiến thức về thiên nhiên và môi trường
+ Tổ chức hoặc tham gia các buổi thảo luận, hội thảo về bảo vệ môi trường, giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên.
– Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường
+ Lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, sản phẩm hữu cơ, không gây hại cho môi trường.
– Tôn trọng và bảo vệ động vật
+ Không săn bắt, buôn bán động vật hoang dã
+ Tham gia các hoạt động bảo vệ động vật
II. Vai trò của sinh học
Câu hỏi 6 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 7): Hãy nêu một vài thành tựu cụ thể chứng minh vai trò của ngành Sinh học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.Trả lời:
* Một số thành tựu:
– Tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu tốt hơn; cho năng suất cao hơn.
– Tạo ra các sinh vật mang gene người để sản xuất hormone, protein…
– Tạo ra các loại thuốc trị bệnh cho con người. Phân tích các Protein/Proteome huyết thanh người mở ra hướng chẩn đoán trong y dược học góp phần trong công cuộc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
– Tạo ra các chế phẩm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và xử lý môi trường.
– Các công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm phát triển giúp nâng cao chất lượng các sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
– Cấy ghép tế bào gốc: cấy ghép tế bào gốc cho bệnh nhân suy tim nặng do nhồi máu cơ tim cấp.
– Tạo đường chức năng có giá trị dinh dưỡng và phòng bệnh cho các đối tượng mắc bệnh tiểu đường, béo phì, rối loạn tiêu hoá,…
Câu hỏi 7 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 7): Những hiểu biết về bộ não đã mang lại lợi ích gì cho con người?
Trả lời:
– Những hiểu biết về bộ não giúp con người cải thiện trí nhớ: Áp dụng công nghệ và các liệu pháp mới
– Tư vấn và chữa trị các vấn đề tâm lý và hành vi: Điều trị hành vi bất thường góp phần làm cho Tâm lí học và Khoa học xã hội trở nên sâu sắc hơn.
Luyện tập SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 7): Ngành Sinh học đã có những đóng góp gì trong bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sống?
Lời giải:
Những đóng góp của ngành Sinh học trong bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sống:
– Bảo tồn đa dạng sinh học
+ Ngành sinh học giúp xác định các loài nguy cấp, phát triển các chương trình bảo tồn và phục hồi các loài này trong môi trường tự nhiên.
+ Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen của các loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng nhằm đảm bảo tính đa dạng sinh học trong tương lai.
– Quản lý tài nguyên thiên nhiên
+ Sinh học nghiên cứu và đề xuất các phương pháp sử dụng bền vững tài nguyên rừng, đất, nước và các hệ sinh thái khác. Thực hiện các dự án phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, tái tạo các môi trường sống tự nhiên.
– Phát triển nông nghiệp bền vững
+ Cây trồng và vật nuôi bền vững. Thúc đẩy các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
– Kiểm soát ô nhiễm môi trường
+ Công nghệ sinh học môi trường: Sử dụng vi sinh vật và thực vật để xử lý chất thải, khử ô nhiễm không khí, đất và nước. Phát triển các hệ thống xử lý nước thải sinh học hiệu quả, giúp làm sạch nguồn nước trước khi xả ra môi trường.
– Nghiên cứu về biến đổi khí hậu
+ Nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu lên các hệ sinh thái và các loài sinh vật, giúp dự báo và đề xuất các biện pháp thích ứng.
+ Đề xuất các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp và công nghiệp, như sử dụng năng lượng tái tạo và cải tiến quy trình sản xuất.
– Giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng
+ Tuyên truyền bảo vệ môi trường. Thúc đẩy các hành động cụ thể: Khuyến khích cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, như trồng cây, giảm rác thải nhựa, và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
– Phát triển công nghệ sinh học
+ Phát triển các sản phẩm sinh học và công nghệ sinh học xanh, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thay thế các quy trình sản xuất gây ô nhiễm.
+ Sử dụng sinh khối và các nguồn năng lượng tái tạo từ sinh học để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
III. Sinh học trong tương lai
Câu hỏi 8 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 8): Con người có thể giải quyết những vấn đề môi trường như thế nào?Trả lời:
+ Tạo ra các chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường.
+ Dùng vi sinh vật để xử lý nước thải, xử lý dầu tràn trên biển, phân huỷ rác thải đề tạo phân bón,…
+ Tạo ra xăng sinh học cũng là một trong những phát minh giúp bảo vệ môi trường.
+ Đưa ra những mô hình tái sử dụng các chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi; tái chế rác thải hữu cơ.
Câu hỏi 9 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 8): Sự kết hợp giữa sinh học và tin học mang lại những triển vọng gì trong tương lai?
Trả lời:
– Những triển vọng gì trong tương lai từ sự kết hợp giữa sinh học và tin học:
+ Nghiên cứu sinh học trên các phần mềm chuyên dụng, các mô hình mô phỏng
+ Hạn chế việc sử dụng sinh vật làm thí nghiệm;
+ Kết hợp với khoa học Trái Đất, khoa học vũ trụ để nghiên cứu về khả năng tồn tại của sự sống ở các hành tinh khác ngoài Trái Đất.
Luyện tập SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 8): Tại sao việc ứng dụng các thành tựu của sinh học được xem là giải pháp quan trọng để giải quyết nhiều vấn đề như môi trường, sức khoẻ con người?
Lời giải:
* Các thành tựu của Sinh học được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các vấn đề đến con người và môi trường:
– Đối với môi trường: Nhờ những nghiên cứu về sinh học, con người tạo ra các chế phẩm xử lý môi trường, tái sử dụng các loại rác thải hữu cơ…. chủ động dùng vi sinh vật để xử lí nước thải, xử lí dầu tràn trên biển, phân hủy rác thải để tạo phân bón,…, tạo ra xăng sinh học,…
* Đối với sức khỏe con người:
– Sinh học đóng góp vai trò quan trọng trong nghiên cứu y học như: Tạo ra thuốc, vaccine, enzyme;… nhằm phòng và chữa trị bệnh cho con người.
IV. Các ngành nghề liên quan đến sinh học và ứng dụng sinh học
1. Nhóm ngành sinh học cơ bản
Câu hỏi 10 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 9): Hãy kể tên một số ngành nghề liên quan đến sinh học và ứng dụng sinh học. Cho biết vai trò của các ngành nghề đó đối với đời sống con người.Trả lời:
Một số ngành nghề liên quan đến sinh học, ứng dụng sinh học và vai trò của các ngành nghề đó đối với đời sống con người:
– Y học: phát triển các kĩ thuật cấy ghép nội tạng, kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, liệu pháp gene, liệu pháp tế bào gốc, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe con người,…
– Dược học: sản xuất nhiều loại vaccine, enzyme, kháng thể, thuốc,… nhằm phòng và chữa nhiều bệnh ở người.
– Pháp y: xét nghiệm DNA hoặc dấu vân tay để xác định mối quan hệ huyết thống, xác định tình trạng sức khỏe hoặc tình trạng tổn thương trong các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động,… để giải quyết các vụ án dân sự; hoặc khám nghiệm tử thi; xét nghiệm DNA từ mẫu máu, tóc, da,… được thu nhận từ hiện trường vụ án trong điều tra các vụ án hình sự.
– Công nghệ thực phẩm: tạo ra các sản phẩm mới phục vụ cho nhiều lĩnh vực như thực phẩm, y học, chăn nuôi,… góp phần nâng cao sức khỏe con người.
– Khoa học môi trường: đưa ra các biện pháp xử lí kịp thời đồng thời chế tạo và sản xuất nhiều vật liệu, dụng cụ, thiết bị phục vụ cho việc bảo vệ môi trường. Nhiều biện pháp sinh học (sử dụng tảo, vi sinh vật) cũng đã được ứng dụng rất hiệu quả.
– Nông nghiệp: áp dụng các kĩ thuật hiện đại góp phần tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm (gạo, trái cây, thủy sản,…) và giảm chi phí sản xuất, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực trong nước và xuất khẩu.
– Lâm nghiệp: phối hợp chặt chẽ giữa việc trồng, bảo vệ và khai thác rừng một cách hợp lí; ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho việc quản lí và bảo vệ rừng. Nhờ đó, diện tích rừng được khôi phục đáng kể.
– Thủy sản: giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
2. Nhóm ngành ứng dụng sinh học
Câu hỏi 11 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 9): Tại sao sự phát triển của ngành Lâm nghiệp có ảnh hưởng to lớn đến việc bảo vệ đa dạng sinh họcTrả lời:
– Sự phát triển của ngành lâm nghiệp có ảnh hưởng to lớn đến việc bảo vệ đa dạng sinh học vì đây là môi trường tốt nhất để các loài sinh vật có thể phát triển, tiến hóa một cách tự nhiên và không hoặt ít sự tác động của con người.
+ Lâm nghiệp phối hợp chặt chẽ giữa việc trồng, bảo vệ và khai thác rừng một cách hợp lí; ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho việc quản lí và bảo vệ rừng. Nhờ đó, diện tích rừng được khôi phục đáng kể.
+ Bên cạnh đó, rừng còn có vai trò quan trọng như cung cấp thức ăn, nơi ở, dưỡng khí; bảo vệ điều kiện khí hậu và môi trường;… cho các sinh vật sinh sống → bảo vệ đa dạng sinh học.
→ Như vậy, sự phát triển của ngành Lâm nghiệp có ảnh hưởng to lớn đến việc bảo vệ đa dạng sinh học.
Luyện tập SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 9): Trong số các ngành nghề kể trên, hãy chọn một nghề mà em yêu thích, tìm hiểu và trình bày về: mục tiêu, yêu cầu, cơ hội việc làm, thành tựu, triển vọng trong tương lai của nghề đó.
Lời giải:
* Ngành công nghệ thực phẩm:
– Mục tiêu: Đào tạo ra đội ngũ nhân lực giỏi chuyên môn để có thể phân tích thực phẩm, đánh giá mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện các quy trình công nghệ chế biến, sản xuất, bảo quản thực phẩm.
– Yêu cầu:
+ Kiến thức chuyên môn: Hiểu biết sâu rộng về hóa học, sinh học, vi sinh, dinh dưỡng và kỹ thuật thực phẩm.
+ Kỹ năng kỹ thuật: Kỹ năng sử dụng các thiết bị và công nghệ hiện đại trong sản xuất và kiểm tra chất lượng thực phẩm.
+ Khả năng nghiên cứu và phát triển: Khả năng thực hiện các nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm mới.
+ Kỹ năng quản lý chất lượng: Kiến thức về các tiêu chuẩn và quy định an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất.
+ Tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề: Khả năng sáng tạo và đưa ra các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề trong sản xuất thực phẩm.
– Cơ hội việc làm:
+ Chuyên viên nghiên cứu phát triển sản phẩm: Người ở vị trí việc làm Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và các dự án mới.
+ Kỹ sư chế biến nông sản: Đây sẽ là vị trí nghiên cứu các quy trình kỹ thuật chế biến nông sản như mục tiêu đề ra, giám sát, hướng dẫn công nhân các quy trình chế biến nông sản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiên cứu các phương pháp chế biến hiệu quả để cải thiện năng suất.
+ Kỹ sư chế biến thuỷ sản: Đây là vị trí chế biến, bảo quản, xử lý các sản phẩm thủy sản một cách an toàn nhất, hiệu quả nhất, và mang lại kinh tế cao nhất.
+ Giám sát chất lượng sản xuất: Ở vị trí này bạn sẽ là người theo dõi và giám sát các bước sản xuất và sản phẩm có đạt đủ yêu cầu ở bước sản xuất đó hay không.
+ Nhân viên kỹ thuật QC: Là vị trí chịu trách nhiệm theo dõi, đo lường các chỉ tiêu chất lượng của nguyên liệu và các thành phẩm trong các công đoạn sản xuất xem có đạt chất lượng theo yêu cầu hay chưa và xác nhận các kết quả kiểm tra đó.
+ Nhân viên kiểm tra chất lượng: Là bộ phận chỉ huy và chịu trách nhiệm toàn bộ về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
– Thành tựu:
+ Phát triển Thực phẩm lỏng, Thức ăn từ côn trùng, “Thịt xông khói” dưới nước, Thịt nhân tạo, Thực phẩm “lớn nhanh” và có thể dùng ngay, trồng trọt trên mái nhà…
– Triển vọng của ngành:
+ Nhiều năm nay, thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Các sản phẩm thực phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn thành công khi giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Ngoài ra, việc Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và mới đây nhất là EVFTA cũng đã mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ngành thực phẩm phát triển, tăng cơ hội xuất khẩu.
+ Từ đó, triển vọng của ngành Công nghệ thực phẩm trong tương lai sẽ rộng mở hơn bao giờ hết, tạo tiền đề phát triển cho các bạn sinh viên dấn thân vào ngành học này.
Vận dụng SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 9): Hãy đề xuất ý tưởng về một ứng dụng của Sinh học trong tương lai mà em nghĩ sẽ mang lại hiệu quả cao.
Lời giải:
– Một ứng dụng của sinh học trong tương lai mà em nghĩ sẽ mang lại hiệu quả cao là ứng dụng sinh học để sản xuất các con chip tế bào thần kinh nhân tạo. Đây là một sự kết hợp giữa công nghệ sinh học và công nghệ nano để tạo ra các thiết bị có khả năng mô phỏng và thay thế các chức năng của tế bào thần kinh trong hệ thần kinh của con người. Những con chip này có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như y học, nghiên cứu khoa học, và công nghệ thông tin.
V. Sinh học với sự phát triển bền vững và những vấn đề xã hội
1. Sinh học với phát triển bền vững
Câu hỏi 12 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 10): Sự phát triển của ngành Sinh học có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển bền vững?Trả lời:
+ Sinh học đóng vai trò vô cùng to lớn trong công cuộc bảo vệ môi trường sống: góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học, xây dựng các mô hình sinh thái để bảo vệ và khôi phục môi trường sống; các công trình nghiên cứu về di truyền, sinh học tế bào được áp dụng trong nhân giống, bảo toàn nguồn gene quý hiếm của các loài sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.
+ Sinh học là một trong những yếu tố góp phần thúc đầy sự phát triển kinh tế – xã hội: việc vận dụng kiến thức sinh học trong quản lý và khai thác hợp lí nguồn tài nguyên thiên nhiên; tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao; sản xuất các chế phẩm sinh học.
2. Mối quan hệ giữa sinh học với những vấn đề xã hội
Câu hỏi 13 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 10): Một thí nghiệm như thế nào được cho là vi phạm đạo đức sinh học? Em có đồng ý với việc dùng con người để làm thí nghiệm không? Tại sao?Trả lời:
– Một thí nghiệm được cho là vi phạm đạo đức sinh học khi vi phạm những quy tắc, giá trị đạo đức trong khoa học nghiên cứu sự sống cũng như ứng dụng khoa học vào thực tiễn.
+ Vi phạm pháp luật tùy từng quốc gia
+ Thiếu trung thực trong nghiên cứu
+ Thiếu thận trọng, cẩn thận, vv…
– Với việc dùng con người để làm thí nghiệm có thể gây di chứng hoặc ảnh hưởng đến tính mạng con người. Việc làm này em hoàn toàn không đồng tình. Vì con người là những cá thể có nhận thức cao, có cảm giác đau, có trạng thái tâm lí,… do đó không nên sử dụng người để làm thí nghiệm nếu chưa có những đảm bảo an toàn tối đa. Thay vào đó có thể sử dụng các biện pháp khác như: thay thế đối tượng thí nghiệm là con người bằng các kĩ thuật không động vật.
Câu hỏi 14 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 10): Khi nghiên cứu sinh học cần lưu ý những vấn đề gì để không trái với đạo đức sinh học ?
Trả lời:
– Khi nghiên cứu sinh học, để không trái với đạo đức sinh học cần lưu ý những vấn đề sau:
+ Làm rõ nguồn gốc
+ Tuân thủ những quy định chặt chẽ về đạo đức nghiên cứu của quốc gia và quốc tế nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho đối tượng tham gia nghiên cứu.
+ Tôn trọng tính tự nguyện của đối tượng nghiên cứu.
+ Tôn trọng quyết định và niềm tin của đối tượng nghiên cứu đối với quá trình và kết quả nghiên cứu.
Câu hỏi 15 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 10): Kể tên một số sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học được sử dụng trong đời sống hàng ngày.
Trả lời:
Một số sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học như:
– Trong y học: Vaccine , kháng thể,…
– Trong nông nghiệp: cây trồng kháng bệnh, kháng thuốc trừ sâu, chế phẩm vi sinh,…
– Trong công nghiệp: nhiên liệu sinh học, ứng dụng vi sinh vật trong công nghệ thực phẩm, Robot làm việc nhà
Luyện tập SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 11): Tại sao đa dạng sinh học gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội?
Lời giải:
– Đa dạng sinh học gắn liền với sự phát triển kinh tế – xã hội vì:
+ Đa dạng sinh học (ĐDSH) chính là giá trị quý báu của tự nhiên, góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân, duy trì nguồn gen của động, thực vật, cung cấp các giá trị sản phẩm,… thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội. Vai trò của của đa dạng sinh học với tư cách là nhân tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của con người là điều không thể nào phủ nhận.
Bài tập
Bài tập 1 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 11): Trong tương lai, với sự phát triển của ngành Sinh học, con người có triển vọng chưa khỏi các bệnh hiểm nghèo như ung thư, AIDS,.. hay không ? Tại sao?Lời giải:
– Trong tương lai, với sự phát triển của ngành Sinh học, con người có triển vọng chưa khỏi các bệnh hiểm nghèo như ung thư, AIDS,.. Bởi vì hiện nay con người đã chế ra được các loại thuốc, vacxin để phòng ngừa được một số bệnh ung thư. Sự phát triển của sinh học sẽ nghiên cứu ra các phương pháp chữa trị mới, các loại thuốc để chữa các bệnh này
– Ngoài ra các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều phương pháp để chưa các căn bệnh này ở giai đoạn đoạn đầu vd: hóa trị, xạ trị,vv… Việc tìm ra phương pháp để chữa khỏi triệt để những bệnh này là những điều sẽ xảy ra trong 1 tương lai không xa.
Bài tập 2 SGK Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 1 (trang 11): Tại sao nói "Thế kỷ XXI là thế kỷ của ngành Công nghệ sinh học"?
Lời giải:
- Ở Thế kỉ XX, con người đã biết đến công nghệ sinh học. Nó đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ trên nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội, không chỉ ở trong nước mà còn ở bình diện quốc tế.
- Tới thế kỷ XXI, con người kế thừa những phát minh tiên tiến đó và phát triển công nghệ sinh học lên một tầm cao mới hơn. Công nghệ sinh học ứng dụng rất nhiều trong đời sống. Nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm của ngành Công nghệ sinh có tính ứng dụng cao và đã trở nên phổ biến trong đời sống xã hội được mọi người tin dùng và sử dụng trên nhiều lĩnh vực.
+ Ví dụ: Trong nông nghiệp (tạo ra các chế phẩm nông nghiệp; các cây trồng, vật nuôi chống chịu bệnh,..), trong y học (vaccine, kháng thể, hormone,…), trong bảo vệ môi trường (tạo ra các loại nhựa phân hủy sinh học, nhiên liệu sinh học,…)….. Vì vậy, có thể nói: “Thế kỷ XXI là thế kỷ của ngành Công nghệ sinh học”