Lý thuyết Sinh học 10 Cánh diều Bài 17: Vi sinh vật và các phương pháp nghiên cứu vi sinh vật

I. Khái niệm vi sinh vật

- Vi sinh vật là sinh vật có kích thước nhỏ, chỉ quan sát được bằng kính hiển vi.

- Các nhóm vi sinh vật:

+ Vi khuẩn, vi sinh vật cổ (giới Khởi sinh).

+ Tảo đơn bào, nguyên sinh động vật (giới Nguyên sinh).

+ Vi nấm (giới Nấm).

- Đặc điểm chung:

+ Cấu tạo đơn bào, có thể là nhân sơ hoặc nhân thực.

+ Số lượng lớn, phân bố rộng.

+ Trao đổi chất nhanh, sinh trưởng và sinh sản mạnh.

+ Kích thước nhỏ → tốc độ sinh trưởng nhanh (tỉ lệ S/V cao giúp tăng trao đổi chất).

II. Các kiểu dinh dưỡng ở vi sinh vật

- Dựa vào nguồn cung cấp năng lượng và nguồn carbon sử dụng, vi sinh vật có 4 kiểu dinh dưỡng là: Quang dị dưỡng, hóa dị dưỡng, quang tự dưỡng và hóa tự dưỡng.

III. Một số phương pháp nghiên cứu vi sinh vật

- Phân lập vi sinh vật: Tách riêng từng loài bằng cách pha loãng và trải mẫu trên môi trường đặc.

- Nghiên cứu hình thái: Được sử dụng để nhận biết nhóm vi sinh vật.

- Quy trình nghiên cứu hình thái vi sinh vật:

+ Phương pháp quan sát gồm hai bước là chuẩn bị mẫu và quan sát bằng kính hiển vi.

+ Tùy từng đối tượng vi sinh vật mà quy trình thực hiện nghiên cứu hình thái có thể có những điểm khác nhau nhất định. Ví dụ: Mẫu vi khuẩn và nấm men thường sẽ làm vết bôi, nhuộm với xanh methylene hoặc fuchsin sau đó quan sát bằng kính hiển vi ở vật kính 100×, nấm mốc và nguyên sinh vật có thể quan sát trực tiếp bằng kính hiển vi ở vật kính 10× hoặc 40×.

- Nghiên cứu đặc điểm hóa sinh: Dùng phản ứng hóa học để xác định thành phần tế bào.

+ Ví dụ: Nhận biết sự có mặt của enzyme catalase trong hai mẫu vi khuẩn: mẫu vi khuẩn có catalase sẽ phản ứng với nước oxi già (H2O2) để tạo ra nước và oxygen, ngược lại, vi khuẩn không có catalase sẽ không phản ứng với nước oxi già.