Đọc hiểu
Câu 1 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 110): Chú ý việc nêu các tấm gương trong sử sách và đương thời như các bằng chứng khách quan.
Trả lời:
- Nêu các tấm gương trong sử sách và đương thời làm bằng chứng: Cao Đế - Kỉ Tín (vua – tôi), Chiêu Vương – Do Vu (vua – tôi), Trí Bá – Dự Nhượng (chủ - gia thần), Tề Trang Công – Thân Khoái (vua – tôi), Đường Thái Tông – Kính Đức (vua – tôi), Cảo Khanh – An Lộc Sơn (bề tôi – kẻ thù của vua), Vương Công Kiên – Nguyễn Văn Lập (chủ tướng – tì tướng), Cốt Đãi Ngột Lang – Xích Tu Tư (chủ tướng – tì tướng),…
Câu 2 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 111): Nội dung chính của phần (2) là gì?
Trả lời:
- Nội dung chính của phần 2: tố cáo sự hống hách và tội ác của kẻ thù, đồng thời nói lên lòng căm thù giặc.
Câu 3 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 112): Chú ý nội dung được nêu trong đoạn mở đầu phần (3)
Trả lời:
- Nội dung được nêu trong đoạn mở đầu phần (3): Mối ân tình giữa chủ tướng và tướng sĩ.
Câu 4 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 112): Những thái độ, hành động nào bị tác giả phê phán?
Trả lời:
- Phê phán hành động hưởng lạc, thái độ bàng quan trước vận mệnh đất nước.
- Ham thú vui tầm thường: chọi gà, cờ bạc, săn bắn, rượu ngon...
Câu 5 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 112): Việc nêu lên hậu quả nhằm mục đích gì?
Trả lời:
- Việc nêu lên hậu quả nhằm mục đích muốn các tướng sĩ quyết tâm tiêu diệt giặc, nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng.
Câu 6 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 113): Những vấn đề nào được nêu ở đoạn cuối phần (3)?
Trả lời:
- Ở đoạn cuối phần 3, tác giả tập trung vào vấn đề nêu cao tinh thần cảnh giác, chăm lo rèn luyện để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đồng thời khích lệ binh sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược do chính Trần Quốc Tuấn biên soạn, nhưng mục đích cao nhất chính là kêu gọi tinh thần yêu nước quyết chiến quyết thắng với ngoại xâm.
Câu 7 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 113): Câu hỏi “Vì sao vậy?” nhằm giải thích cho điều gì?
Trả lời:
- Câu hỏi “Vì sao vậy?” nhằm mở đầu cho việc Trần Quốc Tuấn giải thích lí do việc phải làm ở đoạn văn đầu tiên của phần 4, cụ thể hơn là cho câu: “Nếu các ngươi....nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, tức là kẻ nghịch thù.”
Câu hỏi
Câu hỏi 1 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 114): Xác định mục đích và đối tượng thuyết phục của bài Hịch tướng sĩ.
Trả lời:
- Mục đích: phê phán tinh thần mất cảnh giác của tướng sĩ đồng thời khích lệ tinh thần chiến đấu của họ.
- Đối tượng thuyết phục của bài Hịch tướng sĩ là các tướng sĩ.
Câu hỏi 2 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 114): Trình bày bố cục của bài hịch, cho biết luận điểm của từng phần và mối quan hệ của mỗi phần với mục đích của bài hịch.
Trả lời:
- Bài hịch bố cục thành 4 phần:
+ Phần 1 (từ đầu đến “còn lưu tiếng tốt”): Nêu những gương trung thần nghĩa sĩ trong sử sách để khích lệ ý chí lập công danh, xả thân vì nước.
+ Phần 2 (từ “Huống chi” đến “cũng vui lòng”): Tố cáo sự hống hách và tội ác của kẻ thù, đồng thời nói lên lòng căm thù giặc.
+ Phần 3 (từ “Các ngươi” đến “không muốn vui vẻ phỏng có được không?”): Phân tích phải trái, làm rõ đúng sai trong lối sống, trong hành động của các tướng sĩ.
+ Phần 4 (đoạn còn lại): Nêu nhiệm vụ cụ thể, cấp bách, khích lộ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ.
- Giữa các luận điểm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhằm một mục đích chung là khích lệ tướng sĩ hăng say tập luyện, chống giặc ngoại xâm.
Câu hỏi 3 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 114): Hãy chỉ ra cách thuyết phục của tác giả qua bài hịch (Gợi ý: Vì sao tác giả mở đầu bài hịch bằng cách nêu lên những tấm gương trung thần nghĩa sĩ? Vì sao tác giả bày tỏ tình cảm với các tướng sĩ và phê phán nghiêm khắc những suy nghĩ, việc làm sai trái của họ? Lời khuyên nhủ của tác giả dựa trên cơ sở nào?)
Trả lời:
- Tác giả muốn những binh lính, tướng sĩ thấy được những tấm gương trung thần nghĩa sĩ để noi theo những tấm gương đó. Khơi gợi tinh thần yêu nước, khích lệ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ.
- Các tấm gương đó đều có điểm chung là những vị anh hùng, hào kiệt, yêu nước và rất trung thành với chủ tướng.
Câu hỏi 4 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 114): Văn nghị luận không chỉ thuyết phục bằng lí lẽ mà còn bằng cả tình cảm, cảm xúc. Hãy dẫn ra một số câu văn trong bài hịch nêu lí lẽ và một số câu văn bộc lộ nỗi lòng của Trần Quốc Tuấn.
Trả lời:
- Tác giả đã thể hiện lòng yêu nước một cách hết sức cụ thể bằng nỗi lo lắng suy tư nung nấu ngày đêm với thái độ mạnh mẽ: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối,… uống máu quân thù”.
- Sẵn sàng chấp nhận mọi sự hi sinh vì Tổ quốc: “Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng”.
→ Nỗi lòng nhiệt huyết với vận mệnh dân tộc đó đã khiến cho các tướng sĩ hết sức xúc động và noi theo tấm gương của vị chủ tướng, quyết một lòng tử chiến với quân thù.
Câu hỏi 5 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 114): Nêu khái quát các giá trị về nội dung và nghệ thuật của bài hịch.
Trả lời:
- Giá trị nội dung: Bài hịch là lời phản ánh chân thực nhất tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam ta trong suốt quá trình tham gia kháng chiến chống quân xâm lược. Qua đó, thể hiện lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm đánh đổ kẻ thù.
- Giá trị nghệ thuật: Bài hịch là một áng văn chính luận xuất sắc với cách đưa ra luận điểm, luận cứ chặt chẽ, rõ ràng, giàu hình ảnh, đầy sức thuyết phục.
Câu hỏi 6 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 114): Ngày nay, loại văn bản nào có mục đích và nội dung tương tự hịch? Theo em khi nào thì người ta viết loại văn bản như thế?
Trả lời:
- Ngày nay, loại văn bản có mục đích và nội dung tương tự hịch: Lời kêu gọi của các nguyên thủ đất nước phát động toàn quốc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, tổng động viên khi có chiến tranh, lời kêu gọi phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất trong toàn quốc. Ví dụ: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (Hồ Chí Minh).
- Các văn bản ấy được viết khi đất nước có chiến tranh, khi có những sự kiện đặc biệt hay chuẩn bị bước sang một giai đoạn lịch sử mới cần huy động sức mạnh của cả dân tộc,…
Câu hỏi 7 SGK Ngữ văn 8 Cánh diều – Soạn bài Hịch tướng sĩ (trang 114): Từ bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, em học được gì từ cách viết bài văn nghị luận nhằm thuyết phục người khác?
Trả lời:
- Từ văn bản, em thấy rằng lập luận, lí lẽ và dẫn chứng là các yếu tố vô cùng quan trọng trong việc viết bài văn nghị luận nhằm thuyết phục người khác. Lập luận, lí lẽ cần mạch lạc rõ ràng, dẫn chứng phải tiêu biểu thì văn bản mới có sức thuyết phục.