Mở đầu
Mở đầu: Em hãy chia sẻ hiểu biết của bản thân về các câu tục ngữ, thành ngữ dưới đây:
Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay.
Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.
Trả lời:
- Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay: có của mà không làm thì rồi cũng hết, có một nghề giỏi trong tay thì suốt đời không lo bị đói. Ruộng đất rộng, tiền của nhiều chưa hẳn là sung sướng, vì còn sợ lo mất trộm, có ngày phải đói, nhưng có sẵn một nghề trong tay thì không sợ đói.
- Một nghề cho chín còn hơn chín nghề: câu tục ngữ này ý muốn nói chúng ta chỉ nên tập trung vào một công việc nhất định và làm cho tốt nó. Không nên có suy nghĩ làm nghề này rồi lại chuyển nghề khác. Nếu không bạn vẫn mãi nằm trong vòng luẩn quẩn và không có một nghề cố định nào.
- Mỗi chúng ta khi bước đến giai đoạn lập nghiệp cần phải xác định mục tiêu, đích đến mà mình mong muốn với công việc mình đã lựa chọn. Bạn cần phải cố gắng học hỏi, theo đuổi và phấn đấu cho công việc đó. Một khi bạn đã lựa chọn là phải chinh phục được nó và có những hài lòng nhất định.
1. Khái niệm lao động và thị trường lao động
a. Khái niệm lao động
Câu hỏi 1: Theo em, để sản xuất muối, diêm dân cần có những yếu tố nào?
Trả lời:
- Để sản xuất muối, diêm dân cần có sức khỏe, kiến thức, kinh nghiệm và sử dụng thành thạo công cụ lao động của nghề muối như: cuốc, mai, trục lăn đất, xẻng, rổ, máy bơm nước,...
Câu hỏi 2: Em hiểu thế nào là lao động?
Trả lời:
- Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người nhằm tạo ra hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho nhu cầu đời sống.
b. Khái niệm thị trường lao động
Câu hỏi 1: Qua biểu đồ, em hãy nhận xét về sự biến động của lực lượng lao động theo quý từ năm 2020 - 2022.

Trả lời:
- Nhìn chung trong cả giai đoạn từ năm 2020 – 2022, lực lượng lao động ở Việt Nam có xu hướng tăng lên. Cụ thể là tăng từ 51,2 triệu người (vào quý I/2020), lên mức 51,9 triệu người (vào quý III/2022).
- Tuy nhiên, với mỗi năm, lực lượng lao động có sự biến động trong từng quý. Cụ thể là:
+ Trong năm 2020: từ quý I đến quý II, lực lượng lao động có xu hướng giảm; sau đó có sự gia tăng trở lại từ quý II đến hết quý IV.
+ Nhìn chung trong năm 2021, từ quý I đến quý IV, quy mô của lực lượng lao động có xu hướng giảm 0,3 triệu người.
+ Trong 3 quý đầu năm 2022, quy mô lực lượng lao động tăng liên tục, từ mức 51,2 triệu người lên mức 51,9 triệu người.
Câu hỏi 2: Em hãy chỉ ra những yếu tố hình thành thị trường lao động trong trường hợp trên. Nêu cách hiểu của em về thị trường lao động
Trả lời:
- Những yếu tố hình thành thị trường lao động trong trường hợp trên:
+ Công ty cần thuê mướn và sử dụng lao động phổ thông.
+ Người có nhu cầu tìm kiếm công việc
+ Hợp đồng lao động
=> Thị trường lao động là nơi diễn ra sự thỏa thuận, xác lập quan hệ lao động về việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động với người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Khái niệm việc làm và thị trường việc làm
a. Khái niệm việc làm
Câu hỏi 1: Dựa trên Điều 3 Luật Việc làm năm 2013, em hãy cho biết việc gia đình anh A tham gia hoạt động lao động mang lại thu nhập có được gọi là việc làm không?

Trả lời:
- Anh A được tuyển dụng và làm việc tại một công ty xây dựng với mức lương 15 triệu đồng/ tháng; vợ anh A mở cửa hàng buôn bán quần áo, lợi nhuận tring bình khoảng 10 triệu đồng/ tháng. => Có thể thấy: hoạt động lao động của anh A và vợ anh A là những hoạt động hợp pháp, đem lại thu nhập. Như vậy, căn cứ theo Điều 3 Luật Việc làm năm 2013, việc gia đình anh A tham gia hoạt động lao động mang lại thu nhập được gọi là việc làm.
Câu hỏi 2: Em hiểu thế nào là việc làm?
Trả lời:
- Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không vi phạm pháp luật.
b. Khái niệm thị trường việc làm
Câu hỏi 1: Số lao động có việc làm theo quý từ năm 2019 - 2021 biến động như thế nào qua biểu đồ trên?

Trả lời:
- Nhìn chung, trong cả giai đoạn từ quý I/2019 đến quý I/2021, số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm có xu hướng giảm. Cụ thể là: giảm từ mức 50,5 triệu người (vào quý I/2019), xuống còn 49,9 triệu người (vào quý I/2021).
- Tuy nhiên, với mỗi năm, số lượng lao động có việc làm đã có sự biến động trong từng quý. Cụ thể là:
+ Trong năm 2019 và 2020: số lượng lao động có việc làm giảm trong thời gian từ quý I đến quý II; sau đó tăng trở lại trong thời gian từ quý II đến hết quý IV.
+ Từ quý IV/2020 đến quý I/2021, số lượng lao động có việc làm giảm 1 triệu người (từ mức 50,9 triệu người, giảm xuống còn 49,9 triệu người).
Câu hỏi 2: Trong trường hợp trên, thị trường việc làm được hình thành từ những yếu tố nào? Theo em, thị trường việc làm là gì?
Trả lời:
- Thị trường việc làm được hình thành từ những yếu tố sau:
+ Hợp đồng lao động
+ Người sử dụng lao động
+ Người lao động
- Thị trường việc làm là nơi diễn ra sự thỏa thuận, xác lập hợp đồng làm việc giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm, tiền lương và điều kiện làm việc.
3. Mối quan hệ giữa thị trường lao động và thị trường việc làm
Câu hỏi: Em hãy chỉ rõ mối quan hệ giữa thị trường lao động và thị trường việc làm trong các trường hợp trên.

Trả lời:
- Trường hợp 1: Thị trường lao động tăng đã thúc đẩy thị trường việc làm tăng (biểu hiện ở việc: lực lượng lao động tăng nhanh => chính phủ ban hành những chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất => số việc làm tăng lên).
- Trường hợp 2: Thị trường việc làm tăng thúc đẩy thị trường lao động tăng (biểu hiện ở việc: khi hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tăng nhu cầu tuyển dụng => số lượng lao động có cơ hội việc làm tăng, lượng người thất nghiệp trong độ tuổi giảm).
4. Xu hướng tuyển dụng lao động của thị trường
Câu hỏi 1: Xu hướng tuyển dụng lao động thay đổi như thế nào qua thông tin trên?
Trả lời:
- Xu hướng tuyển dụng lao động của thị trường:
+ Theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại.
+ Chú trọng lao động chất lượng cao
- Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế qua biểu đồ trên:
+ Cơ cấu lao động ngành nông, lâm, thủy sản giảm tỉ trọng qua các năm
+ Cơ cấu lao động ngành công nghiệp và xây dựng tăng tỉ trọng qua các năm
+ Cơ cấu lao động ngành dịch vụ tăng tỉ trọng qua các năm và chiếm tỉ lệ cao nhất.
Câu hỏi 2: Em có nhận xét gì về cơ cấu lao động theo ngành kinh tế qua biểu đồ trên?

Trả lời:
Nhận xét: Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, cơ cấu lao động ở Việt Nam có sự chuyển dịch theo hướng:
- Giảm tỉ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Cụ thể: giảm từ mức 41,9% (năm 2016), xuống còn 33,1% (năm 2020).
- Tăng tỉ trọng lao động làm việc trong các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Cụ thể:
+ Trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng: tỉ trọng lao động tăng từ mức 24,7% (năm 2016), lên mức 30,8% (năm 2020).
+ Trong lĩnh vực dịch vụ: tỉ trọng lao động tăng từ mức 33,4% (năm 2016) lên mức 36,1% (năm 2020).
Luyện tập
Luyện tập 1: Em đồng tình hay không đồng tình với nhận định nào sau đây? Vì sao?
a. Lao động là hoạt động thể chất và tinh thần của con người trong xã hội.
b. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập đều được gọi là việc làm.
c. Trên thị trường lao động sẽ diễn ra sự thoả thuận về tiền lương, điều kiện và các quan hệ hợp đồng lao động.
d. Thị trường việc làm là nơi xác định mức độ tiền lương, điều kiện làm việc và mức độ có việc làm của lao động.
e. Trong nền kinh tế, xu hướng tuyển dụng lao động tất yếu phải đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
g. Các nhà tuyển dụng lao động ngày càng chú trọng vào lao động có trình độ chuyên môn, có kĩ năng mềm và thái độ tốt.
Lời giải:
- Em đồng tình với các nhận định sau:
+ a. Lao động là hoạt động thể chất và tinh thần của con người trong xã hội. Bởi vì lao động bao gồm cả hoạt động thể chất và việc suy nghĩ, sáng tạo ra các sản phẩm tinh thần phục vụ cho đời sống con người.
+ c. Trên thị trường lao động sẽ diễn ra sự thoả thuận về tiền lương, điều kiện và các quan hệ hợp đồng lao động. Bởi vì thị trường lao động là nơi diễn ra sự thỏa thuận, xác lập quan hệ lao động về việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động với người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ d. Thị trường việc làm là nơi xác định mức độ tiền lương, điều kiện làm việc và mức độ có việc làm của lao động. Bởi vì thị trường việc làm là nơi diễn ra sự thỏa thuận, xác lập hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm, tiền lương và điều kiện làm việc.
+ e. Trong nền kinh tế, xu hướng tuyển dụng lao động tất yếu phải đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Bởi vì, khi sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra dẫn tới những yêu cầu, đòi hỏi khác về người lao động, từ đó làm cho xu hướng tuyển dụng lao động thay đổi và phải phù hợp, đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
+ g. Các nhà tuyển dụng lao động ngày càng chú trọng vào lao động có trình độ chuyên môn, có kĩ năng mềm và thái độ tốt. Bởi vì khoa học công nghệ càng phát triển đồng nghĩa với việc yêu cầu về trình độ chuyên môn, kĩ năng mềm của người lao động càng cao, hơn hết hiện nay thái độ tốt là yếu tố quyết định đến cơ hội việc làm của người lao động.
=> Em không đồng tình với các nhận định: b. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập đều được gọi là việc làm. Bởi vì việc làm là hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập nhưng không bị pháp luật cấm.
Luyện tập 2: Em hãy xác định xu hướng tuyển dụng của thị trường trong các thông tin sau:
Thông tin a. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã kéo theo sự chuyển dịch đáng kể trên thị trường lao động. Nông nghiệp là ngành sử dụng lao động lớn nhất khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới. Với sự tự do hoá và đa dạng hoá kinh tế, tỉ trọng việc làm trong nông nghiệp bắt đầu giảm nhanh chóng. Sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, bắt đầu từ những năm 1980, đã tiếp tục thay đổi thị trường lao động trong thập kỉ qua.
Thông tin b. Quá trình hội nhập quốc tế và yêu cầu chuyển đổi số nền kinh tế đã thúc đẩy các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh tự động hoá, chuyển hướng sản xuất hiện đại, cung ứng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Do đó, các doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào việc tuyển dụng lao động chất lượng cao. Họ ưu tiên tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có chuyên môn nghiệp vụ, kĩ năng và thái độ làm việc tốt.
Lời giải:
- Thông tin a. xu hướng tuyển dụng lao động có sự chuyển dịch theo hướng:
+ Giảm lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
+ Tăng lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dượng và dịch vụ.
- Thông tin b. xu hướng tuyển dụng lao động có sự thay đổi theo hướng:
+ Tập trung nhiều hơn vào việc tuyển dụng lao động chất lượng cao.
+ Ưu tiên tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có chuyên môn nghiệp vụ, kĩ năng và thái độ làm việc tốt.
Luyện tập 3: Em hãy nêu rõ mối quan hệ giữa thị trường lao động và thị trường việc làm trong các thông tin sau:
a. Thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động đều tăng so với quý trước và so với cùng kì năm trước.
b. Đầu tư nước ngoài gia tăng, thị trường việc làm rộng mở, thúc đẩy lực lượng lao động tham gia thị trường ngày càng nhiều. Các nhà đầu tư đòi hỏi lực lượng lao động có chất lượng cao nên thị trường lao động ngày càng có chất lượng.
Lời giải:
a. Thị trường lao động tăng thúc đẩy thị trường việc làm (lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động) tăng theo.
b. Thị trường việc làm rộng mở thúc đẩy thị trường lao động tăng và có chất lượng cao hơn.
Luyện tập 4: Em có nhận xét gì về hành động của bạn T? Theo em, để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động, học sinh cần làm những việc gì?
Trường hợp. T là học sinh lớp 11. Em có năng khiếu hội hoạ và mong muốn trở thành kiến trúc sư. Gần đây, T thường tham gia các ngày hội hướng nghiệp dành cho học sinh Trung học phổ thông. T rất vui khi thu thập được nhiều thông tin về nghề nghiệp, cơ hội việc làm và thị trường lao động. T chia sẻ qua ngày hội, em hiểu hơn về điểm mạnh, điểm hạn chế của mình và có cái nhìn thực tế về việc chọn nghề. Quan trọng nhất, em nhận thấy mỗi học sinh cần phải xác định được trách nhiệm hoàn thiện bản thân. Tích cực học tập, nâng cao trình độ, kĩ năng sẵn sàng để tham gia thị trường lao động và lựa chọn được nghề nghiệp, việc làm phù hợp. Để thực hiện ước mơ của mình, T đã đăng kí tham gia các lớp học vẽ, tham gia hoạt động ở các câu lạc bộ mĩ thuật và nhiều hoạt động có liên quan khác.
Lời giải:
- Nhận xét:
+ Bạn T đã tích cực, chủ động tìm hiểu, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với bản thân mình;
+ Bạn đã xác định được trách nhiệm hoàn thiện bản thân, tích cực nâng cao trình độ, kĩ năng để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động bằng cách: đăng kí tham gia các lớp học vẽ, tham gia hoạt động ở các câu lạc bộ mĩ thuật và nhiều hoạt động có liên quan khác.
- Học sinh cần hoàn thiện bản thân, tìm hiểu, lựa chọn được nghề nghiệp, việc làm phù hợp với năng lực và khả năng của mình, rèn luyện những kĩ năng cần thiết để sẵn sàng tham gia thị trường lao động, việc làm.
Bài tập 5: Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và cho biết công dân cần chuẩn bị những gì để tham gia thị trường lao động
Trả lời:
- Công dân cần chuẩn bị những điều sau để tham gia thị trường lao động:
+ Người lao động: trang bị những kĩ năng kĩ thuật cần thiết để thích ứng, các kiến thức cơ bản về kiến thức và kĩ năng mềm, chuyển sang hệ thống kĩ năng trình độ công nghệ trung bình và chuyển đổi thành công đáp ứng nhu cầu công nghệ cao, với kĩ năng kĩ thuật và kiến thức cao hơn.
+ Học sinh: cần có trách nhiệm không ngừng hoàn thiện bản thân khi tham gia thị trường lao động, tìm hiểu, lựa chọn được nghề nghiệp, việc làm phù hợp, có năng lực thích ứng trong môi trường, hoàn cảnh sống luôn biến đổi.
Vận dụng
Vận dụng: Hãy viết một bài viết ngắn nói về việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của em.
Bài tham khảo
Bản thân em yêu thích công việc hướng dẫn viên du lịch. Qua sự tìm hiểu, em biết được, công việc hướng dẫn viên du lịch có một số yêu cầu về phẩm chất và năng lực như: cởi mở; thân thiện; nhanh nhẹn, trung thực,…; năng lực tổ chức, điều hành; kĩ năng thuyết phục, giao tiếp và cần có sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa, lịch sử,…Từ những đặc điểm và yêu cầu của nghề hướng dẫn viên du lịch, qua quá trình suy nghĩ, phân tích, đánh giá ưu - nhược điểm của bản thân và tham vấn ý kiến của những người xung quanh, em nhận thấy bản thân có nhiều phẩm chất và năng lực tương đối phù hợp với nghề nghiệp đã chọn. Tuy nhiên, một số năng lực như: khả năng tổ chức, điều hành; kĩ năng thuyết phục em sẽ cần hình thành và rèn luyện thêm. Bên cạnh đó, em cũng cần cố gắng học tập, trau dồi kiến thức nhiều hơn để nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử,…