Giải Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

I. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba

1. Bối cảnh lịch sử

Câu hỏi mục 1 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 72): Nêu bối cảnh lịch sử của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba. 
Trả lời:
- Bối cảnh lịch sử của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba: 
+ Diễn ra trên cơ sở kế thừa hai cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh lạnh đã thúc đẩy sự ra đời nhiều phát minh, thành tựu khoa học mới. 
+ Từ sau nửa thế kỉ XX, những nguồn năng lượng, vật liệu có sẵn trong tự nhiên đang dần cạn kiệt; vấn đề biến đổi khí hậu khiến nhân loại phải đối mặt với sự thay đổi về nhiệt độ, phá vỡ cân bằng các hệ sinh thái, đe dọa sự tồn tại của con người. Sự cần thiết phải có những công nghệ mới, an toàn và bền vững ngày càng trở nên cấp thiết. 

2. Thành tựu tiêu biểu

Câu hỏi 1 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 73): Trình bày những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba.
Trả lời:
- Những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba:
+ Trong khoa học cơ bản: nhiều thành tựu lớn trong lĩnh vực Toán học, Vật lí, Hoá học, Sinh học,.... như sinh sản vô tính, giải mã ADN, thuyết tương đối, tia laze,…
+ Nhiều phát minh về công cụ sản xuất mới nhằm tự động hoá sản xuất. 
+ Những vật liệu mới, những nguồn năng lượng mới được sử dụng rộng rãi.
+ Giao thông vận tải, thông tin liên lạc và chinh phục vũ trụ có những tiến bộ thần kì.
+ Cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp có những tiến bộ nhảy vọt
+ Công nghệ thông tin phát triển mạnh, hình thành mạng máy tính toàn cầu.
Câu hỏi 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 73): Trong cách mạng công nghiệp lần thứ ba, thành tựu nào có vai trò then chốt? Vì sao?
Trả lời:
Trong Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, thành tựu có vai trò then chốt đó là mạng In-tơ-nét.
- Ứng dụng máy tính điện tử trong nền kinh tế quốc dân, tạo động lực để hoàn thiện quá trình tự động hóa có tính hệ thống và đưa tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế.
- Biến đổi sâu sắc toàn bộ diện mạo của đời sống xã hội cũng như nền kinh tế toàn cầu. 
- Các lĩnh vực hoạt động của con người từ sản xuất, nghiên cứu, dịch vụ,…đều được liên kết với internet.

II. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

1. Bối cảnh lịch sử

Câu hỏi mục 1 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 73): Trình bày những nét chính về bối cảnh lịch sử của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trả lời:
- Cuộc cách mạng lần thứ tư diễn ra trong bối cảnh:
+ Có những tiền đề từ ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.
+ Bước vào thế kỉ XXI, quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
+ Thế giới phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề toàn cầu như ô nhiễm môi trường, bùng nổ dân số, dịch bệnh,... cùng với các vấn đề an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.
+ Trước những thay đổi của thế giới, nhu cầu tiến hành một cuộc cách mạng mới được đặt ra trong thập niên thứ hai của thế kỉ XXI.

2. Thành tựu tiêu biểu

Câu hỏi mục 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 74): Trong các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, em ấn tượng với thành tựu nào. Vì sao?
Trả lời:
- Trong các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, em ấn tượng với thành tựu trí tuệ nhân tạo (AI).
- Cả nhân loại đang bước sang một kỷ nguyên mới với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt nhờ vào AI. Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) là sự hiện thực hoá các khả năng của con người như nhìn, nghe, ra quyết định, di chuyển và học hỏi vào máy tính. Nói cách khác, AI là sự kết hợp của thuật toán, dữ liệu lớn và sức mạnh tính toán. Đây là ba thành phần chính cho phép chúng ta xây dựng trí thông minh nhân tạo hoàn chỉnh. 
- Trí tuệ nhân tạo đã trở thành cầu nối cho nhiều lĩnh vực từ kỹ thuật số, vật lý đến công nghệ sinh học. Thiết bị, máy móc sử dụng Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) có thể hiện diện ở khắp nơi trong cuộc sống. Như Amazon phân phối hàng tỷ sản phẩm bằng cách sử dụng công nghệ tự động hóa tiên tiến, machine learning và AI, và robot,… giúp nâng cao tối đa hiệu suất, giảm tối đa nhân sự là người thật khi thay thế vào đó là công nghệ tự động hóa với nhân công là những robot. 

III. Ý nghĩa và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

Câu hỏi 1 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 76): Em hãy cho biết, khi trí tuệ nhân tạo phát triển, máy móc có thể hoàn toàn thay thế con người hay không. Vì sao?
Trả lời:
Trí tuệ nhân tạo, máy móc không thể thay thế con người hoàn toàn. Vì:
- AI giúp đỡ cho các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người được dễ dàng hơn và chỉ phục vụ cho cuộc sống của con người.
- AI hoàn toàn không có tư duy, do đó không có mục đích riêng của chúng và nó chỉ có một mục đích duy nhất do người tạo ra nó ban cho mà thôi.
- AI hoàn toàn dựa vào những tính toán kĩ thuật do vậy xét ở mức độ nào đó AI vẫn thua kém trình độ nhận thức của con người.
- Chừng nào con người còn hơn máy móc ở khả năng nhận thức thì chừng ấy, AI vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn trí tuệ con người trong mọi lĩnh vực.
Câu hỏi 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 76): Hai cuộc cách mạng công nghiệp thời kỳ hiện đại tác động như thế nào đến sự phát triển của kinh tế và xã hội thế giới?
Trả lời:
Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

Luyện tập

Luyện tập 1 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 76): Theo em, động lực chính của các cuộc cách mạng công nghiệp là gì?
Trả lời:
- Động lực chính của các cuộc cách mạng công nghiệp là nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao của con người.
+ Con người phải lao động, phải sản xuất ra của cải để tồn tại và phát triển.
+ Muốn sản xuất ra nhiều của cải thì con người không chỉ dựa vào bản thân sức lao động của mình mà còn phải tìm cách cải tiến, hoàn thiện phương tiện sản xuất: công cụ, máy móc, vật liệu,…
Luyện tập 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 76): Em hãy lựa chọn và kể tên một số thành tựu cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển văn minh thế giới. Giải thích lí do lựa chọn của em. 
Trả lời:
- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (FIR) phát triển dựa trên cơ sở cả ba cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật trước đó, trước hết là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. 
- Những thành tựu đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, đặc biệt là công nghệ mạng In-tơ-nét, đã làm biến đổi sâu sắc toàn bộ diện mạo của đời sống xã hội cũng như nền kinh tế toàn cầu, tạo cơ sở cho sự phát triển FIR vào giữa thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI trong đó không chỉ máy tính điện tử kết nối thành mạng mà gần như tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người các dây chuyền sản xuất; nghiên cứu khoa học, giáo dục, y tế, dịch vụ, giải trí…đều được liên kết thành “mạng thông minh” mở ra kỷ nguyên mạng In-tơ-nét kết nối vạn vật.

Vận dụng

Vận dụng 1 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 76): Những thành tựu của hai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư tác động như thế nào đến cuộc sống và học tập của em? Hãy nêu ví dụ để chứng minh.
Trả lời:
* Ảnh hưởng của những thành tựu của hai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư tác động đến cuộc sống và học tập của em:
- Trong cuộc sống: 
+ Tiếp cận được nhanh chóng với sự thay đổi trên toàn thế giới.
+ Nhịp độ sống nhanh hơn, có thể thực hiện giao tiếp bằng nhiều cách thông qua mạng internet. 
+ Các thành tựu công nghệ bỏ bớt đi những sự rườm rà, giao tiếp, ứng xử nhanh hơn.
- Trong học tập:
+ Dễ dàng tìm kiếm, sưu tầm thông tin, hình ảnh nhanh hơn.
+ Có kho tư liệu vô cùng đa dạng, phong phú từ internet.
* Ví dụ: Em dùng các mạng xã hội như zalo, viber, sky, instagram, facebook... để giao tiếp với mọi người mà không cần gặp mặt trực tiếp.
Vận dụng 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 12 (trang 76): Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0), người máy với trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người trong nhiều hoạt động sẽ tác động như thế nào đến việc lựa chọn nghề nghiệp của em trong tương lai?
Trả lời:
- Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc chọn nghề nghiệp của em:
+ Em thấy nghề giáo viên và bác sĩ là 2 nghề mà AI rất khó có thể thay thế hoàn toàn con người.
+ Nghề giáo bên cạnh việc truyền đạt, hỗ trợ học sinh lĩnh hội và chiếm lĩnh tri thức thì còn có một nhiệm vụ khác đó là giáo dục tư tưởng, tình cảm cho học sinh mà chức năng này máy móc hiện tại không thể đáp ứng được.
+ Bác sĩ có những công đoạn vẫn cần đến sự khéo léo, tỉ mỉ của bàn tay con người. Mặt khác việc động viên tinh thần cho bệnh nhân cũng rất được quan tâm vì người bệnh họ chữa cả những bệnh sinh học và chữa cả “tâm bệnh”.
- Đây có thể là 2 lĩnh vực cơ hội việc làm vẫn còn rất lớn, tuy nhiên ở bất cứ ngành nghề nào vẫn cần những cá nhân có trình độ chuyên môn, đạo đức.