Giải Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam

I. Thành phần các dân tộc trên đất nước Việt Nam

1. Thành phần dân tộc theo dân số

Câu hỏi mục 1 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19 (trang 119): Em có nhận xét gì về thành phần dân tộc theo dân số ở Việt Nam?
Trả lời:
- Việt Nam là quốc gia đa dạng về tộc người, có tới 54 dân tộc phân bố trên cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.
- Dân tộc Kinh có số lượng đông nhất, chiếm tới 85,3% tổng dân số cả nước.
- Các dân tộc còn lại chiếm 14,7% dân số với nhiều nhóm nhỏ.

2. Thành phần dân tộc theo ngữ hệ

Câu hỏi 1 mục 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19 (trang 120): Em hãy xác định địa bàn phân bố chủ yếu của các dân tộc theo ngữ hệ trên lược đồ Việt Nam.
Trả lời:
- Các dân tộc theo ngữ hệ phân bố vừa tập trung vừa xen kẽ lẫn nhau, trong đó:
+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (thuộc ngữ hệ Nam Á) phân bố chủ yếu ở khu vực: Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme (thuộc ngữ hệ Nam Á): phân bố chủ yếu ở khu vực: Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
+ Các dân tộc theo ngữ hệ Mông – Dao phân bố chủ yếu ở khu vực: Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ
+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (thuộc ngữ hệ Thái – Kađai): phân bố chủ yếu ở khu vực: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Kađai (thuộc ngữ hệ Thái – Kađai): phân bố chủ yếu ở khu vực: Đông Bắc Bộ.
+ Các dân tộc theo ngữ hệ Nam Đảo phân bố chủ yếu ở khu vực: Tây Nguyên
+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Hán (thuộc ngữ hệ Hán – Tạng): phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ
+ Các dân tộc theo nhóm ngôn ngữ Tạng (thuộc ngữ hệ Hán – Tạng): phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Bắc Bộ và Đông Bắc bộ.
Câu hỏi 2 mục 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19 (trang 120): Dựa vào Hình 19.3, em hãy nêu nhận xét về số lượng các dân tộc theo ngữ hệ.
 
Trả lời:
- Các dân tộc ở Việt Nam thuộc 5 ngữ hệ: Nam Á, Nam Đảo, H’Mông – Dao, Hán – Tạng, Thái – Kadai.
- Mỗi ngữ hệ lại có các nhóm ngôn ngữ khác nhau, trong đó dân cư thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường chiếm số lượng đông đảo.
- Các nhóm ngôn ngữ thuộc các ngữ hệ khác chiếm số lượng ít, điều này chứng tỏ đại bộ phận dân tộc Việt thuộc ngữ hệ Nam Á trong đó nhóm ngôn ngữ Việt – Mường chiếm đại đa số.

II. Đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam

1. Đời sống vật chất

Câu hỏi mục 1 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19 (trang 123): Trình bày những nội dung cơ bản về đời sống vật chất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam (hoạt động sản xuất, ẩm thực, trang phục, nhà ở, phương tiện đi lại).
Trả lời:
* Những nội dung cơ bản về đời sống vật chất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam:
- Hoạt động sản xuất:
+ Cư trú trải rộng trên nhiều địa hình khác nhau, có điều kiện tự nhiên khác biệt nên tập quán sản xuất của các dân tộc không hoàn toàn giống nhau.
+ Một số dân tộc canh tác trên ruộng nước, một số dân tộc canh tác trên ruộng khô, nương rẫy hoặc kết hợp trên ruộng nước, nương rẫy.
+ Sản xuất thủ công nghiệp, buôn bán, trao đổi hàng hóa, mang bản sắc dân tộc đậm nét.
- Ẩm thực:
+ Lương thực chính của các dân tộc là lúa, ngô.
+ Phần đông các dân tộc ăn cơm nấu từ gạo tẻ, gạo nếp kết hợp với các món được chế biến từ các loại thịt (trâu, bò, lợn, gà, vịt,.), cá, ếch, nhái, mắm, rau, măng, củ...
+ Thức uống có rượu cần, rượu trắng cất từ gạo, nếp, ngô, sắn.
+ Một số dân tộc có những món ăn hoặc thức uống đặc trưng, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
- Trang phục:
+ Mỗi dân tộc có những nét riêng về điều kiện sống, tập quán và óc thẩm mĩ của các cộng đồng dân cư.
+ Đa dạng về kiểu dáng, màu sắc cũng như hình thức và hoa văn trang trí.
+ Trang phục của nữ giới gồm váy hoặc quần, yếm, dây lưng, áo dài, áo chui đầu, choàng hoặc cài khuy, khăn, mũ (nón); trang phục nam giới có quần, khố, xà rông, áo ngắn, áo dài, khăn.
+ Ngày nay, ngoài trang phục truyền thống, đồng bào các dân tộc thiểu số có xu hướng sử dụng trang phục giống người Kinh.
- Nhà ở:
+ Đa dạng về loại hình: nhà sàn, nhà nền đất, nhà nửa sàn nửa đất, nhà trình tường.
+ Vật liệu làm nhà là gỗ, đá, gạch, ngói, tre nứa, tranh, đất sét…
+ Nhà ở của người Kinh, Hoa, Chăm là nhà trệt (làm trên nền đất bằng).
+ Nhà của nhiều dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên, Tây Bắc,… thường là nhà sàn.
+ Một số dân tộc có những ngôi nhà được xây cất làm nơi sinh hoạt chung cho buôn làng, với nét kiến trúc độc đáo như nhà rông của người Ba-na, Xơ-đăng, Giẻ-Triêng ở Tây Nguyên.
- Phương tiện đi lại:
+ Phương tiện đi lại và vận chuyển của đồng bào các dân tộc vùng đồng bằng và miền núi là voi, ngựa, xe trâu, xe bò, quang gánh, gùi,....
+ Ở vùng nhiều sông ngòi, các dân tộc sử dụng đò, ghe, thuyền.
+ Ngày nay, việc sử dụng phương tiện cơ giới (xe đạp, xe gắn máy, ô tô, tàu hỏa,...) đã phổ biến trong cộng đồng các dân tộc.

2. Đời sống tinh thần

Câu hỏi 1 mục 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19 (trang 125): Điều kiện tự nhiên nơi cư trú ảnh hưởng đến đời sống vật chất của các dân tộc như thế nào?
Trả lời:
- Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất của các dân tộc, nó góp phần quan trọng định hình nên văn hóa của từng vùng miền, dân tộc.
- Những dấu ấn rõ nhất của điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến đời sống vật chất của các dân tộc được thể hiện trên các mặt như sản xuất, nhà ở, trang phục, ẩm thực, phương tiện.
- Nó góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc, làm phong phú thêm văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Câu hỏi 2 mục 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19 (trang 125): Em hãy nhận xét về vai trò, vị trí của kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp trong đời sống của cộng động các dân tộc ở Việt Nam
Trả lời:
- Nhận xét về kinh tế nông nghiệp:
+ Hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ yếu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là trồng trọt, chăn nuôi nhưng có sự khác nhau về hình thức canh tác giữa đồng bằng và miền núi.
+ Lúa gạo là nguồn lương thực chính, đáp ứng nhu cầu trong nước và là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng.
- Nhận xét về kinh tế thủ công nghiệp:
+ Nhiều nghề thủ công truyền thống được duy trì và phát triển, mang dấu ấn riêng của từng tộc người.
+ Sản phẩm thủ công rất đa dạng và tinh xảo, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước mà còn xuất khẩu.
Câu hỏi 3 mục 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19 (trang 125): Em hãy nêu những nét đặc trưng về trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trả lời:
- Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng, trong đó trang phục mang dấu ấn, hơi thở và là linh hồn của dân tộc. Tất cả tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc, từ đó góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
- Nhìn chung, trang phục của các dân tộc rất đa dạng về kiểu dáng, màu sắc cũng như hình thức và hoa văn trang trí.

Luyện tập

Luyện tập 1 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19 (trang 126): Trình bày những nét đặc trưng trong đời sống vật chất tinh thần của các dân tộc
Trả lời:
- Đời sống vật chất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được thể hiện rất sinh động trên các mặt như hoạt động sản xuất, nhà ở, trang phục, ẩm thực, phương tiện đi lại. Do địa bàn cư trú trải rộng trên nhiều địa hình, có điều kiện tự nhiên khác nhau nên những yếu tố trên cũng mang những nét đặc trưng cho từng vùng miền.
- Đời sống tinh thần của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam hết sức đa dạng và phong phú. Sự đa dạng và phong phú này thể hiện rất rõ nét trong tín ngưỡng – tôn giáo, lễ hội, văn học, âm nhạc, ca múa, các trò chơi dân gian,…
Luyện tập 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19 (trang 126): Sự đa dạng trong đời sống tin thần của các dân tộc ở Việt Nam thể hiện như thế nào?
Trả lời:
Sự đa dạng trong đời sống tinh thần của các dân tộc Việt Nam được thể hiện ở:
- Bản sắc văn hóa dân tộc:
+ Quốc gia Việt Nam là quốc gia đa sắc tộc với 54 dân tộc anh em
+ Sắc thái văn hóa dân tộc/tộc người, văn hóa địa phương.
- Nhiều tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, lễ hội, văn học, âm nhạc, ca múa,....

Vận dụng

Vận dụng 1 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19 (trang 126): Sưu tầm và trình bày về trang phục, phong tục, tập quán của một dân tộc (tự chọn)
Trả lời:
Gợi ý giải
“Trang phục của người Thái ở Điện Biên”
Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam
Ai đã lên Tây Bắc đều không khỏi ngẩn ngơ trước những cô gái Thái trong trang phục truyền thống với áo cóm, váy đen và chiếc khăn piêu. Ngay từ nhỏ, người con gái Thái được các bà, các mẹ dạy cách thắt “xài yêu”, một loại thắt lưng bằng vải, để lớn lên các cô đều có thân hình “eo kíu manh po”, nghĩa là thắt đáy lưng ong (…) Chính vì vậy khi trưởng thành, các cô gái Thái đều uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Áo cóm của người Thái đen có cổ cao còn áo của người Thái trắng thì cổ hình trái tim. Chiếc áo cóm của phụ nữ Thái trắng có 2 loại. Một loại ngắn tay dành cho người phụ nữ có tuổi, còn loại áo cộc dành cho thiếu nữ (…)
Vận dụng 2 SGK Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 19 (trang 126): Hãy trình bày những hiểu biết của bản thân về các dân tộc cư trú tại địa phương (nếu có) hoặc kể lại một trải nghiệm qua du lịch đến các địa phương có các dân tộc cư trú (ví dụ: học sinh có thể nói về phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực, ca múa,…)
Trả lời:
Giới thiệu lễ hội Ka-tê
- Ka-tê là lễ hội dân gian thiêng liêng, đặc sắc và quan trọng nhất của dân tộc Chăm. Đây là dịp người Chăm dâng lễ vật tri ân các vị thần và tưởng nhớ tổ tiên của mình. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng 9 - đầu tháng 10 dương lịch tại cụm di tích tháp Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận, Bình Thuận,… Người dân tập trung tại các đền tháp cổ kính, thưởng thức các điệu múa nhạc dân gian trong kho tàng âm nhạc của người Chăm. Mọi người nghỉ ngơi và tràn ngập niềm vui, đi thăm viếng chúc tụng lẫn nhau. Lễ hội được chia làm hai phần là phần lễ và phần hội.
- Nghi thức hành lễ đón rước phục y, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc phục y cho tượng thần, đại lễ. Khi điệu múa thiêng kết thúc thì ngoài tháp Chăm bắt đầu mở hội. Các điệu múa, làn điệu dân ca cộng hưởng với trống Gi-năng, trống Pa-ra-nưng và kèn Sa-ra-nai làm vui nhộn cả một vùng.
- Lễ hội Ka-tê được tổ chức theo quy mô nhỏ ở từng làng, một ngày sau đó là lễ hội từng gia đình. Các thành viên từng gia đình cùng quần tụ đông đủ, có một người chủ tế cầu mong cho gia đình được tổ tiên, thần linh phù hộ, con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Đây là dịp để mọi thành viên trong gia đình gần gũi, gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau hơn trong cuộc sống, là dịp để vui chơi, giải trí sau một năm lao động miệt mài.