Soạn bài Chữ người tử tù – Ngữ văn 10 Kết nối tri thức

Gợi dẫn trước văn bản đọc

Câu hỏi Mở đầu (trang 20) Soạn bài Chữ người tử tù – Ngữ văn 10 Kết nối tri thức: Dựa vào nhan đề Chữ người tử tù, bạn thử suy đoán xem tác phẩm viết về câu chuyện gì?
Trả lời:
– Tác phẩm Chữ người tử tù kể về việc cho chữ đầy éo le giữa hai con người đối lập nhau (quản ngục – tù nhân) được diễn ra trong nơi ngục tù tăm tối. Truyện viết về những dòng chữ của người tù mắc trọng tội. Những dòng chữ này có thể được người tử tù viết trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó.

Đọc văn bản

Đọc hiểu 1: Tóm tắt nội dung cuộc trò chuyện giữa nhân vật quản ngục và thầy thơ lại
Trả lời:
– Cuộc trò chuyện của quản ngục và thơ lại xoay quanh nội dung trại giam sắp nhận được phiến trát có ghi tên sáu tên tù án chém, trong đó có Huấn Cao – người được khen tài viết chữ rất nhanh và đẹp. Trong cuộc trò chuyện, quản ngục cảm phục Huấn Cao bởi tài hoa và khí phách anh hùng.
– Viên quản ngục bảo thầy thơ lại quét dọn lại cái buồng trong cùng để cầm giữ Huấn Cao.  Ông tỏ ý muốn biệt nhỡn Huấn Cao trong những ngày tháng cuối đời của người tử tù trong nhà lao tăm tối này. Quản ngục và thơ lại cảm thấy tiếc một người nhiều tài như Huấn Cao lại phải chết.
Đọc hiểu 2: Chú ý các chi tiết cho biết ngoại hình, suy nghĩ, lời nói, sở thích, môi trường sống của quản ngục và những câu văn khái quát được tính cách của nhân vật này.
Trả lời:
* Những chi tiết miêu tả nhân vật quản ngục:
– Ngoại hình: Đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. 
– Suy nghĩ: Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ. 
– Lời nói: Có lẽ lão bát này cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình. Chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người tài, hẳn không phải kẻ xấu hay là vô tình. Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại, nhưng chỉ sợ tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan trên thì khó mà ở yên. Để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu”
– Tính cách: Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ. 
– Sở thích: Sưu tầm chữ để treo trong nhà 
– Môi trường sống: Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc. Quản ngục được xem là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đã hỗn loạn xô bồ”.
Đọc hiểu 3: Theo bạn, viên quản ngục sẽ đối xử với Huấn Cao như thế nào? Chi tiết nào ở phần 1 có thể khiến bạn suy đoán như vậy?
Trả lời:
– Xét theo lẽ thường, quản ngục sẽ phải cho người trông coi Huấn Cao cẩn thận, nghiêm ngặt, đối xử theo đúng tội của một tên tử tù. Tuy nhiên, thái độ của viên quản ngục này lại có sự khác biệt và có sự biệt đãi với Huấn Cao. Hắn thể hiện sự kính trọng, khiêm nhường, dành cho Huấn Cao những biệt đãi riêng.
– Điều này được thể hiện qua chi tiết: 
+ Yêu cầu thầy thơ lại dọn dẹp phòng giam cuối cùng.
+ Lời nói thể hiện ý muốn dò hỏi ý tứ thầy thơ lại để có thể biệt đãi Huấn Cao mà không bị phát giác.
⇒ Qua đó thể hiện Viên quản ngục là một người kính trọng người tài.
Đọc hiểu 4: Hình dung hoàn cảnh của cuộc gặp gỡ giữa quản ngục và Huấn Cao
Trả lời:
– Huấn Cao và Viên quản ngục gặp nhau trong ngục tù. Nó là cuộc gặp gỡ đặc biệt, éo le. Huấn Cao xuất hiện với tư thế hiên ngang, bất khuất, lạnh lùng. Viên quản ngục hiền lành, lòng kiêng nể cố giữ kín đáo. Cuộc gặp gỡ của hai người diễn ra trong chốn ngục tù tăm tối. Một người người yêu cái đẹp, cùng với một tử tù – người sáng tạo ra cái đẹp.
Đọc hiểu 5: Huấn Cao đã tiếp nhận sự "biệt đãi" của quản ngục như thế nào?
Trả lời:
– Trong ngục tù tăm tối, Huấn Cao thản nhiên tiếp nhận sự “biệt đãi” của quản ngục, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. 
⇒ Viên Quản ngục biệt đãi Huấn Cao không phải lí do muốn xin chữ mà là vì bản thân ông là một con người có tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp cho nên ông biệt đãi Huấn Cao vì lòng yêu cái đẹp, tôn trọng người tài mà bất chấp nguy hiểm.
–  Tuy nhiên, khi quản ngục ngỏ ý muốn chu cấp thêm, Huấn Cao khẳng khái trả lời, mong muốn quản ngục không đặt chân vào đây.
Đọc hiểu 6: Dự đoán xem Huấn Cao có bằng lòng cho chữ viên quản ngục không?
Trả lời:
– Xét trên bình diện xã hội, quản ngục và Huấn Cao ở hai vị trí hoàn toàn đối lập nhau. Một người là đại diện cho triều đình, trật tự xã hội đương thời còn Huấn Cao là kẻ cầm đầu nổi loạn nay bị bắt giam. Vì vậy, chắn chắn Huấn Cao sẽ không bằng lòng cho chữ viên quản ngục. Bởi ông cho rằng, quản ngục cũng chỉ là một tên tham quan, độc ác như bao tên tham quan khác trong xã hội đương thời.
– Tuy nhiên, Huấn Cao đồng ý cho chữ viên quản ngục vì ông cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài, một tấm lòng cao đẹp, có đức của viên quản ngục giữa chốn tội ác. Đồng thời, ông nhận thấy viên quản ngục là người hiểu cái đẹp, yêu và biết trân trọng cái đẹp.
Đọc hiểu 7: Lưu ý các chi tiết được tác giả sử dụng để dựng cảnh cho chữ.
Trả lời:
- Bối cảnh: thời gian, không gian.
- Lời nói, cử chỉ, hành động của người xin chữ và người cho chữ.
Soạn bài Chữ người tử tù – Ngữ văn 10 Kết nối tri thức
Đọc hiểu 8: Nhân vật Huấn Cao khuyên quản ngục điều gì? Quản ngục có thái độ như thế nào trước lời khuyên đó?
Trả lời:
– Nhân vật Huấn Cao khuyên quản ngục nên thay chỗ ở vì chỗ này không phải là nơi để treo chữ, nên tìm về nhà quê mà ở, thoát cái nghề này rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ.
+ “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”.
+ Thầy Quản nên tìm về quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.
– Thái độ quản ngục: Cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào.
→ Tên tử tù lại đưa ra lời khuyên cho quản ngục – người có vị trí cao nhất trong nhà lao. Ở đây, vị thế của hai người đã có sự đảo ngược. 
→ Sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện, tôn vinh nhân cách cao cả của con người.
Đọc hiểu 9: Nội dung câu chuyện được kể có giống với suy đoán của bạn lúc mới đọc nhan đề tác phẩm hay không?
- Học sinh trả lời theo ý hiểu

Trả lời câu hỏi

Trả lời câu hỏi 1 (trang 27) Soạn bài Chữ người tử tù – Ngữ văn 10 Kết nối tri thức: Hãy xác định tình huống truyện trong Chữ người tử tù.
Trả lời:
– Tình huống truyện trong Chữ người tử tù xoay quanh cuộc gặp gỡ kì lạ – Cuộc gặp gỡ đầy éo le giữa Huấn Cao – một người tài hoa, khí phách, đấu tranh để lật đổ xã hội hiện hành và viên quan ngục – một người yêu cái đẹp nhưng lại đại diện cho cái xã hội mà người kia muốn lật đổ.  Hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục, trên bình diện xã hội, hoàn toàn đối lập với nhau nhưng lại gặp gỡ một điểm chung là yêu cái đẹp.
– Tác giả đã đặt những nhân vật này trong một tình thế đối địch. Chính tình huống độc đáo này đã làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao, làm sáng tỏ tấm lòng biệt nhôm liên tài” của viên quản ngục, đồng thời cũng thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm.
Trả lời câu hỏi 2 (trang 27) Soạn bài Chữ người tử tù – Ngữ văn 10 Kết nối tri thức: Lời kể về nhân vật quản ngục (trong phần 1) là của ai? Lời kể ấy tác động đến cách nhìn của bạn về nhân vật này như thế nào?
Trả lời:
– Lời kể về nhân vật quản ngục trong phần 1 là lời kể của chính tác giả. Việc sử dụng ngôi kể thứ ba giúp cho cách kể linh hoạt, tự do hơn. Qua lời kể này, người đọc có thể hình dung một cách khái quát, có những cảm nhận riêng về nhân vật quản ngục trong truyện. Đây là một kẻ đại diện cho xã hội cầm quyền, nhưng lại có ính cách dịu dàng, tâm điền tốt, thẳng thắn, biết quý trọng người ngay thẳng. Biết yêu và thưởng thức cái đẹp, là một “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.
Trả lời câu hỏi 3 (trang 27) Soạn bài Chữ người tử tù – Ngữ văn 10 Kết nối tri thức: Sự kiện nào đã tạo bước chuyển trong thái độ của Huấn Cao với quản ngục? Sau sự kiện ấy, mối quan hệ của họ đã thay đổi như thế nào?
Trả lời:
– Khi ông nghe thầy thơ lại kể về nỗi lòng của viên quản ngục, Huấn Cao vui lòng cho chữ vì cảm mến tấm lòng biệt nhỡn liên tài, biết trân trọng cái đẹp. Lúc này, mối quan hệ giữa họ không còn là mối quan hệ giữa quản ngục –  tử tù mà đã chuyển thành một quan hệ tri âm, tri kỉ.
⇒ Đây chính là  sự kiện tạo bước chuyển trong thái độ của Huấn Cao với quản ngục.
Trả lời câu hỏi 4 (trang 27) Soạn bài Chữ người tử tù – Ngữ văn 10 Kết nối tri thức: Nhân vật Huấn Cao được tác giả khắc hoạ qua những chi tiết tiêu biểu nào? Hãy dựa vào các chi tiết đó để khái quát đặc điểm tính cách Huấn Cao.
Trả lời:
– Những chi tiết tiêu biểu cho thấy tính cách nhân vật Huấn Cao
+ Tài hoa nghệ sĩ: là người có tài viết chữ đẹp
+ Khí phách hiên ngang: dám khởi nghĩa chống lại triều đình. Trước cửa ngục tù, Huấn Cao không những không run sợ, lo lắng, sợ hãi mà ngược lại, tỏ rõ khí phách của mình qua hành động “dỗ gông”. Trong ngục tù, Huấn Cao không những không sợ, không quy phục viên quan coi ngục mà còn ung dung nhận phần rượu thịt mà viên quan coi ngục mang cho, thậm chí, còn tỏ rõ thái độ của mình đối với viên quan coi ngục.
+ Nhân cách trong sáng, cao cả: không bao giờ vì vàng bạc hay quyền lực mà cho chữ. Cảm kích trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quan coi ngục và quyết định cho ý chữ ở ngay chốn ngục tù.
– Đặc điểm tính cách: Huấn Cao là một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất. 
Trả lời câu hỏi 5 (trang 27) Soạn bài Chữ người tử tù – Ngữ văn 10 Kết nối tri thức: Chỉ ra các yếu tố khiến cảnh cho chữ trở thành một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có". Hãy phân tích ý nghĩa của cảnh tượng kì lạ đó.
Trả lời:
* Cảnh cho chữ – cảnh tượng xưa nay chưa từng có:
– Về không gian: người xưa thường cho chữ ở thư phòng, nơi sạch sẽ, trang nghiêm. Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong nơi ngục tù ẩm mốc, bẩn thỉu, đầy những phân chuột phân gián.
– Thời gian:
+ Đêm khuya – Ngày cuối cùng trước khi Huấn Cao bị tử hình.
+ Sự đối lập về hoàn cảnh giữa 2 con người:
Chỉ ra các yếu tố khiến cảnh cho chữ trở thành một cảnh tượng xưa nay chưa từng có
⇒ Cảnh cho chữ làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Tuy đối lập về hoàn cảnh nhưng họ lại là những con người đồng điệu về tính cách. Đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn, của cái thiện đối với cái ác.
Trả lời câu hỏi 6 (trang 27) Soạn bài Chữ người tử tù – Ngữ văn 10 Kết nối tri thức: Theo bạn, tác giả đã gửi gắm những thông điệp gì qua câu chuyện xin chữ và cho chữ?
Trả lời:
– Qua câu chuyện xin chữ và cho chữ, tác giả muốn gửi gắm thông điệp:
+ Cái đẹp có thể sinh ra, tỏa sáng giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn nhưng cái đẹp không thể chung sống cùng cái xấu, cái ác.
+ Con người xứng đáng được thưởng thức cái đẹp chỉ khi giữ được thiên lương.
+ Cái đẹp có thể cảm hóa được con người, chiến thắng được cái ác.
Trả lời câu hỏi 7 (trang 27) Soạn bài Chữ người tử tù – Ngữ văn 10 Kết nối tri thức: Nêu và nhận xét về một điểm chung mà bạn nhận thấy giữa hai nhân vật Tử Văn (Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ) và Huấn Cao (Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân)
Trả lời:
– Tử Văn và Huấn Cao đều là những con người mang trong mình một thái độ “ngông”. “Ngông” ở đây không phải “ngông ngênh” mà là thái độ hiên ngang, bất khuất, đầy bản lĩnh, không bao giờ đầu hàng trước cái xấu, cái ác, luôn đấu tranh bảo vệ chính nghĩa. 
+ Tử Văn dám châm lửa đốt đền của tên tướng giặc trừ hại cho dân, dũng cảm đương đầu với cái ác để bảo vệ lẽ phải.
+ Huấn Cao vì thấy dân chúng lầm than mà khởi nghĩa chống lại triều đình. Họ không vì quyền uy, tiền bạc mà bị mua chuộc, đánh mất đi chính mình.

Kết nối đọc – viết

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù.
Bài tham khảo
* Phân tích nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đặc sắc:
     Vẻ đẹp ngôn ngữ trong Chữ người tử tù thể hiện trước hết ở việc miêu tả khung cảnh nhà ngục với lớp từ Hán Việt cổ kính nghiêm trang. Tác giả có dụng ý rõ rệt khi dựng lại một khung cảnh xưa cũ và đã đưa chúng ta trở lại quá khứ cách đây hàng trăm năm. Mở đầu là dòng chữ: phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường.
      Tả cảnh vật thì có vọng canh, chiếc hèo hoa, giá gươm, án thư, con song, giấy bản, ty Niết, tàn đèn, chiếc gông, chậu mực, bức châm,… Tả người thì có thầy bát, thằng thập, thủ xướng, ngục tốt… Tả việc thì có cho chữ, thay bút con, đề xong khoản lạc, lĩnh ý, bái lĩnh,…
     Nhà văn đã mượn chữ nghĩa xưa mà khơi dậy cái không khí cổ kính trong khung cảnh của một quá khứ xa xôi. Chỉ cần mấy dòng, tác giả đã lột tả được thần thái, tính hồn của một thời đã qua, “phục chế” chính xác và sinh động ngôn ngữ, cử chỉ của những con người chỉ còn thấp thoáng trong màn sương mờ ảo của dĩ vãng. Thiếu sự “phục chế” này, chắc chắn tác phẩm Chữ người tử tù mất hẳn sự hấp dẫn đối với người đọc.
* Phân tích nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật:
     Trong Chữ người tử tù, nhà văn Nguyễn Tuân đã rất thành công khi xây dựng hình tượng 2 nhân vật chính vừa đối lập lại vừa tương đồng: Huấn Cao – một kẻ tử tù, là đại diện cho tầng lớp bị trị và viên quản ngục đại diện cho tầng lớp cai trị. Sự đối lập giữa 2 nhân vật này còn được thể hiện ở mối quan hệ giữa người sáng tạo cái đẹp với người khát vọng cái đẹp, là người viết chữ đẹp và người muốn xin chữ.
     Tuy nhiên, ở hai nhân vật đều là những người biết quý trọng cái đẹp, khác với một số tác phẩm khác như tác phẩm “Chí Phèo” xây dựng hai nhân vật hoàn toàn đối lập như Chí Phèo với Bá Kiến. Đối với hình tượng Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã sử dụng bút pháp lãng mạn, lí tưởng hóa, dựa vào nguyên mẫu là Chu thần Cao Bá Quát để khắc họa nên một nhân vật có vẻ đẹp toàn diện: vẻ đẹp của tài năng – tâm hồn – khí phách.
     Qua cách xây dựng đó, tác giả đã làm nổi bật  một người có nhân cách đẹp dù người đó bị quy tội phản nghịch triều đình. Vẻ đẹp của Huấn Cao hiện lên lồng lộng giữa chốn ngục tù tăm tối. Hình tượng đó như ngầm khẳng định sự lấn át của cái đẹp, ánh sáng và cái thiện trước cái xấu, bóng tối và tội ác.