Giải SGK Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Sinh thái học quần thể

Mở đầu (trang 128) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Các cá thế sư tử (Panthera leo) sống trong một đàn có ưu thế và bất lợi gì so với cá thể sống đơn lẻ?

Trả lời:

Ưu thế:

- Cùng kiếm mồi

- Cùng chống lại kẻ thù

Bất lợi:

- Cạnh tranh nhau thức ăn

- Cạnh tranh nhau nơi ở

- Cạnh tranh nhau bạn tình

I. Khái niệm quần thể và mối quan hệ giữa các cá thể trong quần thể

Câu hỏi 1 (trang 130) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Hãy lấy một số ví dụ về các mối quan hệ hỗ trợ và quan hệ cạnh tranh ở động vật, thực vật.

Trả lời:

Ví dụ:

+ Quan hệ hỗ trợ ở thực vật: Các cây tre sống thành bụi có khả năng chống chịu gió bão tốt hơn sống đơn độc

+ Quan hệ hỗ trợ ở động vật: Sư tử hỗ trợ lẫn nhau khi săn mồi, nhờ đó ăn thịt được trâu rừng có kích thước lớn hơn, cầy Mongoose thay phiên nhau đứng ở vị trí cao để cảnh giới chim săn mồi cho cả đàn an toàn khi kiếm ăn

+ Quan hệ cạnh tranh ở thực vật: Trong rừng cây, các loài cây khác nhau cạnh tranh nhau để để nhận được nhiều ánh sáng hơn.

+Quan hệ cạnh tranh ở động vật: Hải tượng phương nam (Mirounga leonina) đực đánh nhau giành con cái, cá pecca châu Âu (Perca fluviatilis) ăn thịt đồng loại có kích thước nhỏ hơn

Câu hỏi 2 (trang 130) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Tại sao cạnh tranh gay gắt giữa các cá thể trong quần thể không dẫn đến sự suy vong của quần thể?

Trả lời:

- Cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể đào thải những cá thể yếu kém, giữ lại những cá thể khoẻ mạnh, cân bằng giữa số lượng cá thể và khả năng cung cấp của môi trường. Vì vậy, cạnh tranh cùng loài là động lực phát triển của quần thể chứ không dẫn đến sự suy vong.

II. Các đặc trưng cơ bản của quần thể

Câu hỏi 1 (trang 133) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Tại sao có thể dựa vào kích thước quần thể để đánh giá mức độ ổn định và tiềm năng phát triển của quần thế?

Trả lời:

- Quần thể thường phát triển ổn định trong khoảng giữa kích thước tối đa và kích thước tối thiểu. Kích thước tối đa của quần thể là số lượng cá thể lớn nhất mà quần thể đạt được phù hợp với sức chứa của môi trường. Khi kích thước quần thể lớn hơn sức chứa của môi trường, cạnh tranh gay gắt gay gắt xảy ra dẫn đến giảm kích thước quần thể ( H 24.4). Kích thước tối thiểu của quần thể là số lượng cá thể ít nhất để quần thể đó tồn tại và phát triển. Nếu kích thước quần thể nhỏ hơn kích thước tối thiểu thì quần thể có nguy cơ bị suy vong do giảm hiệu quả sinh sản, tăng giao phối cận huyết và giảm hỗ trợ giữa các cá thể.

→ Dựa vào kích thước quần thể có thể đánh giá mức độ ổn định và tiềm năng phát triển của quần thể đó.

Câu hỏi 2 (trang 133) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Quan sát Hình 24.6, dựa vào cấu trúc tuổi của mỗi quần thể để dự đoán xu hướng tăng trưởng trong tương lai của quần thể đó.

Trả lời:

Xu hướng tăng trưởng trong tương lai của quần thể:

+ Quần thể a: Phần trăm tuổi trước sinh sản và tuổi sinh sản chiếm phần lớn trên tổng dân số, điều này cho thấy quần thể này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai do tỉ lệ sinh sản cao hơn nhiều so với tỉ lệ tử vong dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của quần thể trong tương lai.

+ Quần thể b: Phần trăm của cả 3 nhóm tuổi đều xấp xỉ như nhau, cho thấy quần thể này đang phát triển ổn định, tỉ lệ sinh sản xấp xỉ với tỉ lệ tử vong, không có biến động đột ngột trong quần thể.

+ Quần thể c: Phần trăm tuổi sau sinh sản nhỉnh hơn so với hai nhóm tuổi còn lại, cho thấy tỉ lệ tử vong cao hơn tỉ lệ sinh sản, điều này dẫn đến sự suy giảm dân số của quần thể trong tương lai.

III. Tăng trưởng của quần thể sinh vật

Câu hỏi 1 (trang 134) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Phân biệt kiểu tăng trưởng theo tiềm năng sinh học và kiểu tăng trưởng trong môi trường có nguồn sống bị giới hạn.

Trả lời:

Điểm

phân biệt

Tăng trưởng

theo tiềm năng sinh học

Tăng trưởng

trong môi trường

có nguồn sống giới hạn

Đặc điểm

môi trường sống

Nguồn sống vô hạn và các nhân tố vô sinh luôn đạt cực thuận.

Nguồn sống giới hạn, nhân tố vô sinh có thể biến đổi bất lợi.

Mức tăng số lượng cá thể qua mỗi thế hệ

Tăng không ngừng theo cấp số mũ → Đường cong tăng trưởng có hình chữ J.

Tăng trưởng gần giống cấp số mũ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian đầu; khi kích thước quần thể tăng đến một mức nhất định (điểm uốn) thì tăng trưởng dần chậm lại, kích thước quần thể càng lớn thì tăng trưởng càng chậm → Đường cong tăng trưởng có hình chữ S.

Giới hạn kích thước quần thể

Không có giới hạn kích thước quần thể.

Kích thước quần thể thực tế chỉ tăng đến một giới hạn nhất định và dao động quanh ngưỡng sức chứa của môi trường.

Câu hỏi 2 (trang 134) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Giải thích tại sao trước thế kỉ XVI, tốc độ tăng dân số của loài người diễn ra chậm.

Trả lời:

Trước thế kỷ XVI, tốc độ tăng dân số của loài người diễn ra chậm do năng lực sản xuất thực phẩm thấp, tỷ lệ tử vong cao, giới hạn về giao thông vận tải, quan niệm xã hội và tỷ lệ sinh thấp. Từ thế kỷ XVI, tốc độ tăng dân số bắt đầu tăng nhanh do những thay đổi về kinh tế, xã hội và y tế.

IV. Các kiểu biến động số lượng cá thể của quần thể

Câu hỏi 1 (trang 135) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Hãy lấy một số ví dụ về hoạt động khai thác tài nguyên của con người gây ra sự biến động đột ngột số lượng cá thể của quần thể sinh vật.

Trả lời:

Ví dụ về sự biến động đột ngột số lượng cá thể của quần thể sinh vật:

+ Tê giác Sumatra (tê giác hai sừng) gần như tuyệt chủng do bị săn bắn để lấy sừng.

+ Chim gõ kiến mỏ ngà tuyệt chủng do tình trạng khai thác rừng già tại miền Nam nước Mỹ đã phá hủy môi trường sống của chúng.

+ Cá heo sông Trung Quốc (cá heo sông Dương Tử), cá tầm thìa tuyệt chủng vì sự công nghiệp hóa, đánh bắt quá mức, thủy điện, giao thông thủy ở khu vực sông Dương Tử (Trung Quốc).

+ Hải cẩu Caribe tuyệt chủng vì sự săn bắn của con người lấy mỡ.

Câu hỏi 2 (trang 135) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Giải thích tại sao ở Việt Nam, ếch, nhái phát triển mạnh về mùa mưa và suy giảm số lượng vào mùa khô.

Trả lời:

Ở Việt Nam, ếch, nhái phát triển mạnh về mùa mưa và suy giảm số lượng vào mùa khô vì:

- Ếch, nhái là những loài lưỡng cư, sống vừa ở nước vừa ở cạn. Vào mùa mưa, nước dâng cao tạo ra nhiều vùng đất ngập nước, không khí mát mẻ, độ ẩm thích hợp cùng với đó là nguồn thức ăn (côn trùng) phong phú. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho loài ếch, nhái sinh sản và phát triển.

- Ngược lại, vào mùa khô, điều kiện khô hạn, nhiệt độ cao khiến nhiều ao hồ, đầm lầy bị thu hẹp, đồng thời, độ ẩm môi trường giảm, nguồn thức ăn của ếch nhái trở nên khan hiếm gây khó khăn cho việc sinh sống và sinh sản của ếch nhái.

V. Ứng dụng các hiểu biết về quần thể trong thực tiễn

Câu hỏi 1 (trang 136) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Hãy lấy một số ví dụ về ứng dụng các hiểu biết về quần thể trong chăn nuôi và trồng trọt ở địa phương em.

Trả lời:

Ứng dụng các hiểu biết về quần thể trong chăn nuôi và trồng trọt ở Hưng Yên:

- Chọn giống: Sử dụng con giống có sức khỏe tốt, khả năng sinh sản cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng địa phương.

- Cung cấp thức ăn: Cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với nhu cầu của từng giai đoạn phát triển của vật nuôi.

- Phòng ngừa dịch bệnh: Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại.

- Điều chỉnh mật độ đàn: Giữ mật độ đàn phù hợp với diện tích chuồng trại, tránh tình trạng quá tải dẫn đến dịch bệnh.

Câu hỏi 2 (trang 136) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Tại sao trong khai thác thuỷ sản người ta thường quy định kích thước mắt lưới tương ứng với từng loài cá?

Trả lời:

Trong khai thác thuỷ sản, quy định kích thước mắt lưới tương ứng với từng loài cá là để bảo vệ và duy trì nguồn lợi từ hệ sinh thái nước. Một số lý do chính là: 

+ Vì mỗi loại cá có kích thước khác nhau tùy vào từng độ tuổi

+ Bảo vệ cá con: Kích thước mắt lưới được quy định để đảm bảo rằng cá con có thể trốn thoát qua các lỗ nhỏ trong mắt lưới và không bị bắt, giúp duy trì số lượng cá trong tự nhiên và giữ cho quần thể cá không bị suy giảm.

+ Bảo vệ đa dạng sinh học: kiểm soát việc bắt các loài cá có kích thước nhỏ hoặc loài cá quan trọng trong chuỗi thức ăn, giúp duy trì sự đa dạng sinh học.

+ Quản lý bền vững: thể thúc đẩy việc khai thác thuỷ sản một cách bền vững, duy trì nguồn lợi từ hệ sinh thái nước cho cả hiện tại và tương lai.

Luyện tập và Vận dụng

Luyện tập và Vận dụng 1 (trang 137) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Hãy lấy ví dụ về một số quần thể sinh vật ở trường em hoặc địa phương nơi em đang sinh sống. Giải thích tại sao các tập hợp sinh vật đó được gọi là quần thể.

Trả lời:

- Ví dụ về một số quần thể sinh vật:

+ Quần thể cây lúa trong ruộng lúa.

+ Quần thể cá trê trong ao nuôi.

+ Quần thể cây tre trên bờ sông.

- Giải thích: Tập hợp sinh vật đó được gọi là quần thể là vì đó là tập hợp các cá thể cùng loài, cùng sinh sống trong một khoảng không gian và thời gian xác định, có khả năng sinh sản (hữu tính hoặc vô tính) tạo ra những thế hệ mới có thể sinh sản được.

Luyện tập và vận dụng 2 (trang 137) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Khi đánh bắt cá chép sông (Cyprinus carpio), nếu đa số các mẻ lưới thu được chủ yếu là cá nhỏ, rất tí cá trưởng thành thì có nên tiếp tục khai thác quần thể này nữa không? Tại sao?

Trả lời:

Hiện tượng này cho thấy quần thể cá chép sông đang bị khai thác quá mức:

- Cá con chưa đến tuổi sinh sản đã bị đánh bắt, dẫn đến việc suy giảm số lượng cá trưởng thành trong quần thể.

- Khả năng sinh sản của quần thể bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai.

Cần bảo vệ và phục hồi quần thể cá chép sông:

- Dừng khai thác trong một thời gian để quần thể có cơ hội phục hồi.

- Áp dụng các biện pháp quản lý khai thác hợp lý, bền vững.

Luyện tập và Vận dụng 3 (trang 137) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Loài muỗi vằn (Aedes aegypti) là trung gian truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết ở người. Giải thích tại sao ở Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra chủ yếu vào mùa mưa. Em có thể làm gì để phòng trừ muỗi ở gia đình và địa phương em?

Trả lời:

+ Ở Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra chủ yếu vào mùa mưa do vào mùa mưa có mưa nhiều, độ ẩm môi trường cao nên tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển.

+ Biện pháp phòng trừ muỗi:

+ Sử dụng một số loại tinh dầu đuổi muỗi như tinh dầu chanh, sả, quế,...

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước.

+ Thả các loại cá nhỏ, cá bảy màu, cọ rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...)

+ Thường xuyên dọn vệ sinh môi trường.

+ Sử dụng muỗi biến đổi gene: Có thể tạo ra chủng muỗi đực bị mất khả năng sinh sản rồi thả chúng vào tự nhiên. Các con muỗi đực vô sinh sẽ cạnh tranh giao phối với muỗi đực thường, giảm tỷ lệ sinh của muỗi.

Luyện tập và Vận dụng 4 (trang 137) Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 24: Đặc điểm dân số ảnh hưởng như thế nào đến chính sách xã hội của mỗi quốc gia? Lấy ví dụ minh hoạ.

Trả lời:

- Các chính sách của Chính phủ đều hướng tới con người và được thực hiện bởi con người, vì vậy, đặc điểm dân số ảnh hưởng tới chính sách xã hội của mỗi quốc gia.

- Ví dụ: Từ đặc điểm dân số như tỉ lệ giới tính, nhóm tuổi, tỉ lệ sinh sản, tỉ lệ tử vong, phân bố dân cư,... để Chính phủ đưa ra các chính sách về dân số, kinh tế, giáo dục, y tế, nhà ở,... Nếu dân số có xu hướng già hóa thì nhà nước chú trọng các chính sách tăng cường hỗ trợ cho người cao tuổi, như chăm sóc sức khoẻ, hưu trí. Nếu tăng trưởng dân số nhanh và dân số trẻ thì chú trọng các chính sách giáo dục, y tế, việc làm,...