Mở đầu (trang 180) SGK Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 34: Hình dưới đây minh hoạ các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc phát động cho giai đoạn 2015 – 2030. Em hiểu gì về các mục tiêu phát triển bền vững đó?
Trả lời:
- Các mục tiêu phát triển bền vững:
1. Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi
2. Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững.
3. Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.
4. Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
5. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
6. Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người.
7. Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người.
8. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người.
9. Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới.
10. Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.
11. Xây dựng các đô thị và các khu dân cư mở cửa cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững.
12. Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.
13. Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó.
14. Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững.
15. Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học.
16. Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp.
17. Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.
I. Khái niệm phát triển bền vững và mối tương tác giữa kinh tế - xã hội - môi trường
Câu hỏi 1 (trang 181) SGK Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 34: Trình bày ngắn gọn 17 mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu mà Liên hợp quốc đã phát động cho giai đoạn 2015 - 2030.
Trả lời:
17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) trên toàn cầu giai đoạn 2015 - 2030:
1. Xóa bỏ mọi hình thức nghèo đói.
2. Chấm dứt nạn đói, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng cải thiện và thúc đẩy canh tác bền vững.
3. Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người ở mọi lứa tuổi.
4. Đảm bảo giáo dục có chất lượng, hòa nhập và công bằng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
5. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
6. Đảm bảo nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người.
7. Đảm bảo năng lượng tái tạo, giá cả phải chăng, bền vững cho tất cả mọi người.
8. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững, bao hàm và tạo ra việc làm có năng suất, đàng hoàng cho tất cả mọi người.
9. Xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cường, thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện và bền vững, khuyến khích đổi mới.
10. Giảm thiểu bất bình đẳng trong nội bộ và giữa các quốc gia.
11. Biến đổi các thành phố và khu định cư của con người trở nên toàn diện, bền vững, kiên cường và bao hàm.
12. Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.
13. Hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu và tác động của nó.
14. Bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái biển, ven biển và tài nguyên biển.
15. Bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rừng, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái đất, và chấm dứt sự mất đa dạng sinh học.
16. Thúc đẩy các xã hội hòa bình và toàn diện vì sự phát triển bền vững, cung cấp khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và hòa nhập ở mọi cấp.
17. Tăng cường phương tiện thực hiện và revitalize quan hệ đối tác toàn cầu cho sự phát triển bền vững.
Câu hỏi 2 (trang 181) SGK Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 34: Phân tích mối tương tác giữa kinh tế – xã hội – môi trường trong quá trình phát triển.
Giữa ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường luôn có sự tương tác qua lại lẫn nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển:
- Khi kinh tế phát triển sẽ tạo ra việc làm và thu nhập cho con người, tạo ra nguồn lực để phát triển xã hội và kinh phí để bảo vệ môi trường.
- Khi xã hội phát triển (giáo dục, y tế, văn hoá,...) sẽ tạo ra lao động có chất lượng và một xã hội ổn định cho kinh tế phát triển. Khi kinh tế, xã hội phát triển bền vững sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục ý thức và chính sách bảo vệ môi trường.
- Khi môi trường bền vững sẽ tạo ra các nguồn lực thiên nhiên (đất đai, nguồn nước, cảnh quan,...) dồi dào để phục vụ nền kinh tế và thúc đẩy xã hội phát triển
II. Phát triển bền vững trong một số lĩnh vực
Câu hỏi 1 (trang 186) SGK Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 34: Phát triển nông nghiệp bền vững có vai trò gì đối với kinh tế, xã hội và môi trường?
Trả lời:
- Đối với kinh tế:
+ Đảm bảo an ninh lương thực.
+ Tạo việc làm và thu nhập.
+ Đảm bảo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm, hoá mĩ phẩm,...
+ Nâng cao giá trị của nông sản và hàng hoá xuất khẩu.
+ Nâng cao thu nhập quốc gia một cách bền vững.
- Đối với xã hội:
+ Thể hiện vai trò của nông dân cho sự phát triển của xã hội.
+ Đảm bảo sự công bằng trong phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân.
+ Đảm bảo sức khoẻ cho con người, cải thiện chất lượng cuộc sống, xoá đói nghèo,...
+ Đảm bảo gia đình phát triển.
+ Giảm khoảng cách giàu nghèo.
- Đối với môi trường:
+ Bảo vệ môi trường sống của con người và sinh vật.
+ Khai thác hợp lí các nguồn tài nguyên (đất, nước, năng lượng, sinh vật,...).
+ Bảo tồn đa dạng sinh vật, phục hồi các hệ sinh thái.
+ Bảo vệ sức khoẻ con người và nâng cao chất lượng dân số.
Câu hỏi 2 (trang 186) SGK Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 34: Trình bày các nhóm biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường và vai trò của chúng đối với phát triển bền vững.
Trả lời:
- Giáo dục và khuyến khích: Đây là nhóm biện pháp không bắt buộc, tập trung thúc đẩy, khuyến khích, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
- Ngăn ngừa: Nhóm biện pháp này thường sử dụng Luật và các quy định (của quốc tế, quốc gia, tổ chức, cộng đồng,...) để ngăn ngừa tác động xấu lên môi trường.
- Khắc phục và nâng cao khả năng chịu đựng: Bao gồm các biện pháp giảm nhẹ tác hại và nâng cao khả năng chịu đựng của môi trường.
Câu hỏi 3 (trang 186) SGK Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 34: Phân loại các nhóm tài nguyên và trình bày các biện pháp sử dụng hợp lí từng loại tài nguyên đó.
- Có 3 nhóm tài nguyên thiên nhiên là:
+ Nhóm tài nguyên có khả năng tái tạo: Đây là các tài nguyên có khả năng tái tạo nếu được sử dụng hợp lí. Ví dụ: sinh vật, nguồn nước, đất đai,…
+ Nhóm tài nguyên không có khả năng tái tạo: Đây là các tài không có khả năng tái tạo sau khi sử dụng. Ví dụ: các loại khoáng sản,…
+ Nhóm tài nguyên khí hậu: Đây là các tài nguyên có khả năng tái tạo gần như “vô tận”. Ví dụ: gió, thủy triều, ánh sáng Mặt Trời,…
- Biện pháp sử dụng hợp lí các loại tài nguyên:
+ Đối với nhóm tài nguyên có khả năng tái tạo: cần đánh giá được trữ lượng và khả năng tái tạo của chúng để đưa ra các biện pháp khai thác phù hợp với tốc độ tái tạo. Đối với các loài quý, hiếm, đặc hữu cần có chính sách bảo tồn tiến tới gây trồng và phát triển.
+ Đối với nhóm tài nguyên không tái tạo: cần nghiên cứu đánh giá trữ lượng; khả năng và chi phí khai thác; lập kế hoạch khai thác có chiến lược, tiết kiệm và lâu dài; nghiên cứu và đưa vào sử dụng các loại nguyên liệu tái tạo thay thế;…
+ Đối với nhóm tài nguyên khí hậu: Nhóm tài nguyên này khó khai thác, cần nghiên cứu để có các biện pháp khai thác tối đa, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Câu hỏi 4 (trang 186) SGK Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 34: Trình bày một số biện pháp giáo dục môi trường áp dụng phù hợp với học sinh.
Trả lời:
+ Một số biện pháp giáo dục môi trường áp dụng phù hợp với học sinh:
+ Trang bị kiến thức về môi trường và phát triển bền vững.
+ Thể hiện chính kiến và thái độ đúng đắn với môi trường.
+ Tham gia và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
+ Trở thành các chuyên gia trong các lĩnh vực phát triển trong tương lai và luôn quan tâm đến phát triển bền vững trong lĩnh vực mà mình làm việc.
Luyện tập và Vận dụng
Luyện tập và Vận dụng 1 (trang 187) SGK Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 34: Trình bày những hiểu biết của em về nông nghiệp bền vững và vai trò của nông nghiệp bền vững đối với con người.
Trả lời:
- Nông nghiệp bền vững sử dụng các biện pháp canh tác vừa đáp ứng nhu cầu về nông sản hiện tại của xã hội và không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai, đồng thời bảo vệ môi trường và sức khoẻ của con người, sinh vật.
Luyện tập và Vận dụng 2 (trang 187) SGK Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 34: Tìm hiểu về các chương trình hành động bảo vệ môi trường hoặc phát triển bền vững của học sinh và thanh niên đang có ở nước ta. Hãy giới thiệu về các chương trình đó cho các bạn trong nhóm/lớp cùng được biết.
Trả lời:
Một số chương trình hành động bảo vệ môi trường hoặc phát triển bền vững của học sinh và thanh niên:
- Chương trình "Vì một Việt Nam xanh" do Trung ương Đoàn phát động.
- Chiến dịch "Hãy làm sạch biển".
- Chiến dịch "Hành trình thứ hai của chai nhựa".
- Ngày hội "Thanh niên hành động chống rác thải nhựa".
Luyện tập và Vận dụng 3 (trang 187) SGK Sinh 12 Kết nối tri thức Bài 34: Phân tích vai trò của chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình trong phát triển bền vững ở nước ta.
Trả lời:
- Vai trò của chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình trong phát triển bền vững ở nước ta: giúp ổn định dân số, hạn chế gây áp lực lên môi trường cũng như các cơ sở hạ tầng khác, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự cộng đồng, duy trì nên kinh tế cân bằng và phát triển.