Lý thuyết Lịch Sử 9 Cánh diều Bài 2: Châu Âu và nước Mỹ từ năm 1918 đến năm 1945

I. Phong trào cách mạng 1918 - 1923 và sự thành lập Quốc tế Cộng sản

1. Phong trào cách mạng 1918 - 1923

- Hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất và ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga dẫn đến phong trào cách mạng lan rộng ở châu Âu.

- Công nhân đấu tranh bằng bãi công, khởi nghĩa, hướng tới mô hình nhà nước kiểu Xô viết.

- Thành lập các Đảng Cộng sản tại Đức (1918), Pháp (1920), Anh (1920), Ý (1921).

- Đỉnh cao: Nhà nước Cộng hòa Xô Viết Hung-ga-ri (3/1919) và Ba-vi-e (Đức, 4/1919).

- Đến cuối năm 1923, phong trào bị đàn áp và tạm lắng.

2. Sự thành lập Quốc tế Cộng sản

- Phong trào cách mạng thúc đẩy nhu cầu thành lập một tổ chức quốc tế để lãnh đạo.

- Tháng 3/1919, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ 3) được thành lập tại Mát-xcơ-va.

- Góp phần thúc đẩy phong trào công nhân và cộng sản ở châu Âu.

II. Cuộc đại suy thoái kinh tế 1929 - 1933

- Nguyên nhân: Sản xuất tăng nhanh nhưng nhu cầu không theo kịp, dẫn đến hàng hóa dư thừa và khủng hoảng sản xuất.

- Biểu hiện: Khủng hoảng bắt đầu ở Mỹ (10/1929), lan rộng toàn cầu, ảnh hưởng đến tài chính, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại.

- Hậu quả:

+ Kinh tế suy thoái, hàng triệu người thất nghiệp.

+ Chủ nghĩa phát xít thắng thế ở Đức và Ý, làm gia tăng mâu thuẫn quốc tế, báo hiệu nguy cơ chiến tranh thế giới mới.

III. Sự hình thành chủ nghĩa phát xít ở châu Âu

+ Tại I-ta-li-a, chủ nghĩa phát xít hình thành từ sớm. Năm 1919, B. Mút-xô-li-ni thành lập Đảng Quốc gia phát xít. Năm 1922, hàng chục nghìn đội viên phát xít tiến quân chiếm Rô-ma, gây áp lực buộc nhà vua phải dưa Mút-xô-li-ni lên làm Thủ tướng. Năm 1925, chế độ độc tài phát xít được thiết lập, quyền lực tập trung vào B. Mút-xô-li-ni.

+ Tại Đức, tháng 1-1933, A. Hit-le, lãnh tụ của Đảng Quốc xã, được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Tháng 8-1934, A. Hit-le trở thành Quốc trưởng, xoá bỏ nền cộng hoà, thiết lập chế độ độc tài, tái vũ trang đất nước, chuẩn bị chiến tranh.

+ Năm 1936, trục phát xít Béc-lin - Rô-ma được thiết lập.

IV. Nước Mỹ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939)

1. Tình hình chính trị

- Đối nội:

+ Những năm 1920, Đảng Cộng hòa cầm quyền, đàn áp phong trào công nhân.

+ 1932: Đảng Dân chủ thắng cử, thực hiện "Chính sách mới" để ổn định tình hình.

- Đối ngoại:

+ Mỹ chống Liên Xô, thực hiện học thuyết Mơn-rô.

+ 1933: Chính phủ Mỹ công nhận Liên Xô, áp dụng chính sách "láng giềng thân thiện" với Mỹ La-tinh.

- Kinh tế

+ 1918 - 1924: Phát triển nhanh nhưng có suy thoái nhẹ (1920 - 1921).

+ 1924 - 1929: Thời kỳ phồn vinh, Mỹ trở thành trung tâm kinh tế thế giới.

+ 1929 - 1933: Đại suy thoái, hàng loạt công ty, ngân hàng phá sản.

+ Từ 1932: Tổng thống P. Ru-dơ-ven thực hiện "Chính sách mới" để khắc phục khủng hoảng.