Trải nghiệm cùng văn bản
TÌNH YÊU SÁCH
(Trần Hoài Dương)
[…] Khoảng cuối năm 1956, một tin vui đến với chúng tôi: Thư viện của tỉnh Bắc Giang bắt đầu được thành lập. Tôi hớn hở chạy đến xem. Nhưng thật không may chỉ học sinh cấp ba trở lên mới được cấp thẻ. Tôi nài nỉ thế nào, cô phụ trách thư viện cũng không linh động cấp thẻ cho tôi. Tuy không có thẻ nhưng không chiều nào tôi không đến thư viện. Tôi ngồi ngoài hành lang, nhờ mấy anh lớn cho tôi đọc ké sách báo. Các anh cũng phải khôn héo lắm, giấu không cho cô thủ thư biết. Cũng may, cả thư viện cũng chỉ có mình cô thủ thư, bận tíu tít ở trong phòng nên không có điều kiện ra ngoài để phát hiện ra tôi. Nhưng rồi cuối cùng cô cũng biết. Thấy tôi ngồi một góc khuất ngốn ngấu đọc, cô cũng lờ đi, bỏ qua. Dần dà, tôi làm quen được với cô. Tên cô là Uyên, em gái nhà văn Kim Lân, tác giả truyện Làng và Anh chàng hiệp sĩ gỗ mà tôi rất thích. Các buổi sáng Chủ nhật, tôi đến thư viện rất sớm, ngồi chờ cô ở cổng. Cô vừa đến, tôi đã nhanh nhẹn giúp cô quét dọn xung quanh, lau chùi bàn ghế, sắp xếp lại sách báo,… Tôi giúp cô làm sổ sách, ghi kí hiệu các tác phẩm, dán lại các trang sách hư cũ. Thấy tôi nhanh nhẹn, cần cù, việc gì cũng vui vẻ làm, cô Uyên dần “mủi lòng”, đặc cách cấp cho tôi một chiếc thẻ, không những được quyền đọc tại chỗ mà còn được mượn về nhà nữa. Tuy có thẻ rồi, tôi vẫn ngày ngày ra thư viện giúp cô làm đủ mọi việc vặt. Tôi tranh thủ đọc được không biết bao nhiêu là sách. […]
Dần dà, số sách ở thư viện không thỏa mãn được tôi. Tôi thường xuyên ra hiệu sách Nhân dân, xem có sách gì mới lập tức chạy về báo cho cô Uyên biết. Tôi sướng đến run rẩy cả người khi lần đầu tiên trông thấy quyển Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô (Victor Hugo) được xuất bản một cách hoàn chỉnh. Trước đây, tôi đã được đọc bản Những kẻ khốn nạn do Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Bản dịch lần này đẩy đủ hơn, văn chương mới hơn. Mới chỉ tập một mà đã dày cộp. Tôi chạy như bay về báo cho cô Uyên, nài nỉ cô đưa tiền để tôi đi mua giúp cô. Sắp hết giờ làm việc, cô cho phép tôi đi mua sách, mang về nhà tranh thủ đọc rồi sáng mai đem đến trả cô sớm. Tôi mừng đến run hết cả người. ngay đêm đó, tôi ngốn ngấu đọc hết tập một. Rạng sáng, đọc xong rồi mà tôi vẫn còn ngơ ngẩn thèm thuồng. Ước gì có ngay tập hai, tập ba,… để tôi đọc liền một mạch. Hình ảnh Giăng Van-giăng (Jean Valjean), Phăng-tin (Fantine), Cô-dét (Cosette), Ga-vơ-rốt (Gavroche) cứ lừng lững đi lại, nói năng, buồn vui, đau khổ ngay trước mặt tôi kia. Tâm hồn tôi đẹp thêm lên biết bao nhiêu nhờ những trang sách chứa chan lòng yêu thương…
Suy ngẫm và phản hồi
Câu hỏi 1 SGK Ngữ văn 8 CTST – Soạn bài Tình yêu sách (trang 53): Tình yêu sách của nhân vật “tôi” được thể hiện như thế nào trong đoạn trích trên?
Trả lời:
– Trong đoạn trích trên, nhân vật “tôi” thể hiện tình yêu sách của mình qua việc làm mọi cách để được đọc sách.
+ Cậu ngồi ngoài hành lang để được đọc ké sách của các anh chị.
+ Làm quen với cô thủ thư, giúp cô các công việc ở thư viện để được đọc sách.
+ Mỗi khi thấy một quyển sách mới, cậu bé đều phấn khích và ngấu nghiến độc cho xong, mong có thêm sách để đọc.
Câu hỏi 2 SGK Ngữ văn 8 CTST – Soạn bài Tình yêu sách (trang 53): Những hành động nào của cô Uyên đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu sách của nhân vật “tôi”
Trả lời:
– Những hành động nào của cô Uyên đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu sách của nhân vật “tôi”:
+ Cho nhân vật “tôi” được làm thẻ thư viện dù chưa đủ tuổi, cho phép đi mua sách và đem về nhà đọc.
+ Khi mua những quyển sách mới được xuất bản về, cô cho phép cậu bé là người đầu tiên đọc sách rồi mang trả lại cô.
Câu hỏi 3 SGK Ngữ văn 8 CTST – Soạn bài Tình yêu sách (trang 53): Chi tiết: “Hình ảnh Giăng Van-giăng, Phăng-tin, Cô-dét, Ga-vơ-rốt cứ lừng lững đi lại, nói năng, buồn vui, đau khổ ngay trước mặt tôi kia” thể hiện điều gì về nhân vật “tôi”
Trả lời:
- Chi tiết “Hình ảnh Giăng Văn-giăng, Phăng-tin, Cô-đét, Ga-vơ-Tốt cứ lừng lũng đi lại, nói năng, buồn vui, đau khổ ngay trước mặt tôi kia” thể hiện khả năng tưởng tượng phong phú và trái tim đồng cảm với các nhân vật, niềm say mê to lớn với sách của cậu bé. Qua đó cho thấy tâm hồn của cậu bé vô cùng rộng mở, nhạy cảm, muốn, luôn hướng đến những điều tốt đẹp. Thông qua những con chữ, cậu có thể liên tưởng được đến những hình ảnh thực tế.
Câu hỏi 4 SGK Ngữ văn 8 CTST – Soạn bài Tình yêu sách (trang 53): Chia sẻ với bạn về một cuốn sách hoặc bộ phim đã giúp em mở rộng tầm hiểu biết về thiên nhiên hoặc con người.
Trả lời:
- Đời sống bí ẩn của cây được xem là một trong những cuốn sách hay nhất về cây cối, mở ra một thế giới kỳ diệu về đời sống xã hội phức tạp của những khu rừng ôn đới. Những cái cây giao tiếp với nhau, thể hiện cá tính riêng, hỗ trợ nhau lớn lên, chia sẻ chất dinh dưỡng cho những cá nhân đang chống chọi bệnh tật và thậm chí cảnh báo nhau về những nguy hiểm sắp xảy ra…Không chỉ gây bất ngờ với những thông tin hấp dẫn về các loài cây cối mà lâu nay chúng ta vẫn xem là vô tri vô giác. Trong tác phẩm này, tác giả còn chia sẻ tình yêu sâu sắc của ông đối với cây và rừng, đồng thời giải thích các tiến trình thú vị của sự sống, cái chết và sự tái sinh mà ông đã quan sát được trong chính khu rừng của mình.